Nhật Bản phát không 926 USD cho mỗi người dân, tăng gấp 3 ngân sách dự tính
- Bác sĩ
- 17:55 - 17/04/2020
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa bất ngờ thay đổi chính sách phát tiền mặt cho dân chúng, cho thấy dường như chính phủ nước này không nghĩ rằng kế hoạch ban đầu là đủ nhanh và lớn để hỗ trợ các hộ gia đình trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ở nước này diễn biến nghiêm trọng hơn.
Phát biểu tối hôm qua (16/4), ông Abe cho biết Nhật sẽ phát 100.000 yên (tương đương 926 USD) cho tất cả mọi người thay vì chỉ nhắm vào một bộ phận như trước kia. Điều này sẽ khiến số tiền ngân sách phải chi tăng gấp 3. Ông cũng ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thay vì một vài địa phương như trước.
Trước đó, kế hoạch ban đầu là phát 300.000 yên cho các hộ gia đình có thể chứng minh họ bị mất thu nhập. Tuy nhiên điều này khiến quá trình phân phát bị chậm trễ và tăng nguy cơ lây nhiễm trong quá trình xử lý giấy tờ.
Hiện Nhật Bản dự tính ngân sách sẽ tăng thêm 17.000 tỷ yên, trong đó gần 4.000 tỷ yên dùng cho việc phát tiền cho các hộ gia đình gặp khó khăn. Tuy nhiên nếu mỗi công dân được hưởng 100.000 yên thì số tiền sẽ là hơn 12.000 tỷ yên.
Quá trình phát tiền ở Nhật khá mất thời gian do cách tiếp cận lạc hậu. Nỗ lực đồng nhất hệ thống thuế, an sinh xã hội và các dịch vụ công khác bằng mã số định danh chưa thực sự đem lại hiệu quả. Do đó nếu phát tiền vô điều kiện sẽ giúp dỡ bỏ khó khăn này.
Ông Abe gọi cuộc khủng hoảng hiện nay là thách thức kinh tế lớn nhất kể từ sau thế chiến thứ hai. Một số chuyên gia phân tích nhận định kinh tế Nhật Bản có thể suy giảm 20% trong quý này do bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Quý trước GDP của Nhật đã giảm 7,1%.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với cú sụt giảm mạnh nhất kể từ Đại Suy thoái, các quốc gia đang chuyển sang chế độ "làm bất cứ điều gì" để hỗ trợ tăng trưởng. Thậm chí cả IMF, tổ chức vẫn luôn ủng hộ ngân sách cân bằng và trước đây ủng hộ Nhật tăng thuế vào tháng 10, cũng đang kêu gọi các nước hãy tung ra những biện pháp kích thích mạnh mẽ.
"Chính phủ nên nghĩ đến phúc lợi xã hội trước tiên, và ban đầu họ muốn dành sự hỗ trợ lớn hơn cho những người thực sự cần. Nhưng điều đó không còn phù hợp nữa", Keiji Kanda, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Viện nghiên cứu Daiwa nhận định.