Nhật Bản dành 750 tỷ Yên phát triển Tiểu vùng Mekong
- Tây Y
- 00:51 - 05/07/2015
.
Hội nghị đã rà soát tổng thể tình hình thực hiện Chiến lược Tokyo 2012 trong giai đoạn 2012-2015 và thảo luận về định hướng hợp tác trong giai đoạn tới. Lãnh đạo các nước Tiểu vùng Mekong đã ghi nhận những kết quả quan trọng đã đạt được trong cả ba trụ cột hợp tác, đặc biệt trong phát triển hạ tầng cơ sở phục vụ kết nối khu vực, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Nhật Bản và các nước Mekong, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai, giao lưu nhân dân và đào tạo nguồn nhân lực và đánh giá cao việc Nhật Bản dành 600 tỷ Yên ODA(viện trợ phát triển chính thức) cho hợp tác Mekong - Nhật Bản giai đoạn vừa qua.
Toàn cảnh hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 7
Lãnh đạo các nước Tiểu vùng Mekong đã nhất trí thông qua Chiến lược Tokyo 2015 với mục tiêu bao trùm cho hợp tác Mekong-Nhật Bản giai đoạn 2016-2018 là bảo đảm ổn định khu vực và đạt “tăng trưởng chất lượng” tại Tiểu vùng Mekong. Theo đó, Nhật Bản đã quyết định dành 700 tỷ Yên vốn viện trợ phát triển(ODA) cho giai đoạn hợp tác này.
Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe và lãnh đạo các nước Việt Nam, Thái Lan, Lào, Myanmar, Campuchia
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập ba nội dung chính mà hợp tác Mekong - Nhật Bản cần chú trọng trong thời gian tới để đạt được mục tiêu ‘tăng trưởng chất lượng’ tại các quốc gia thành viên gồm: Hỗ trợ các nước Mekong xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc để tăng trưởng ổn định và ứng phó hiệu quả với các ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài; bảo đảm sự hài hòa và cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, đặc biệt là hợp tác trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước Mekong; và bảo đảm môi trường hòa bình và ổn định cho phát triển.
Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu
Thông tin về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ biển đảo đang diễn biến phức tạp tại Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “ Việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở biển Đông là nguyện vọng, là lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Các bên liên quan cần tuân thủ các nguyên tắc tự kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, không làm thay đổi nguyên trạng, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên tại biển Đông(DOC); thúc đẩy việc sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên tại biển Đông(COC)”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản(JICA)
Chương trình hợp tác Mekong-Nhật Bản giai đoạn 2016-2018, tập trung vào bốn trụ cột, gồm:
1. Phát triển hạ tầng công nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển đô thị, năng lượng, công nghiệp phụ trợ, giao thông, cấp thoát nước, nông nghiệp và công nghiệp chế biến, công nghệ thông tin và viễn thông; và tăng cường kết nối đường bộ, đường biển và đường không giữa các nước Mekong, gắn kết tiểu vùng Mekong với các khu vực xung quanh;
2.Phát triển các ngành công nghiệp và chuỗi giá trị khu vực thông qua thực hiện “Tầm nhìn phát triển công nghiệp Mekong” và xây dựng các đặc khu kinh tế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo đội ngũ chuyên gia và công nhân lành nghề; tăng cường kết nối thể chế, kết nối kinh tế và giao lưu nhân dân;
3. Phát triển bền vững vì một Tiểu vùng Mekong xanh, với trọng tâm là tăng cường hợp tác trong phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn thủy hải sản;
4. Tăng cường phối hợp với các cơ chế Tiểu vùng Mekong khác và hợp tác với khu vực tư nhân, các tổ chức quốc tế và các bên liên quan.