THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:57

Nhập nhèm thu phí: Dân khổ Nhà nước thất thu

Trạm thu phí Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh.

 

Tránh ban hành tràn lan các loại phí

Qua thảo luận, đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật bởi qua 13 năm thực hiện Pháp lệnh Phí và lệ phí đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, phí và lệ phí là vấn đề liên quan trực tiếp tới đời sống người dân, do đó, mục tiêu của dự án Luật là rà soát lại các loại phí, lệ phí và xác định nghĩa vụ đóng góp của dân một cách phù hợp, tránh ban hành tràn lan các loại phí, lệ phí là cần thiết.

Về việc chuyển một số loại phí, lệ phí sang cơ chế giá, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng, điều này phù hợp với đường lối đổi mới của đất nước vận hành theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước. “Đối với những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân thì cần cân nhắc kỹ, nhất là viện phí và học phí”-ĐB Tiên lưu ý.

Góp ý về nguyên tắc xác định mức thu phí, lệ phí ĐB Đặng Ngọc Quỳnh (Hưng Yên) cho rằng, quy định của dự thảo là thu phí, lệ phí phải đảm bảo bù đắp mức chi và có lợi nhuận là chưa hợp lý. Theo đại biểu Quỳnh, đối với những khoản lệ phí mang tính chất dịch vụ công, không phải là kinh doanh, do các cơ quan nhà nước thực hiện thì không nên quy định có lợi nhuận. Dịch vụ công có những dịch vụ, sản phẩm có khi hòa hoặc không đủ bù đắp nhưng vẫn phải đáp ứng. Trong khi những phí này có khi điều chỉnh rất chậm, các chế độ khác của nhà nước đã tăng nhiều lần nhưng chúng ta vẫn ít khi điều chỉnh cho kịp”- ĐB Quỳnh dẫn chứng.

Về nội dung này, ĐB Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cũng chỉ ra bất cập trong dự luật là các loại phí thuộc lĩnh vực công thì Nhà nước quy định, còn khu vực tư nhân thì tư nhân tự quyết định. Ông Lịch đặt câu hỏi: “Bệnh viện công và bệnh viện tư, tuy cùng là bệnh viện, nhưng một bên mức phí được quy định chặt còn bên kia thì tùy nghi, như vậy liệu có công bằng?”

 

 

Người dân đang gánh quá nhiều loại phí do có việc quy định các khoản phí không rõ ràng (ảnh minh hoa)

Cái gì cũng thu được

Theo ĐB Nguyễn Văn Minh (TP. Hồ Chí Minh), hiện nay người dân rất sợ việc tự nguyện đóng phí. Bởi nhiều loại phí và lệ phí được quy định không rõ ràng nên mỗi khi cần thu, chính quyền, địa phương lại đi vận động, khiến nhiều người đóng trong tâm trạng không thoải mái. Do vậy, Luật phải quy định thật cụ thể, rõ ràng, tuyệt đối tránh trường hợp vận động người dân đóng. Liệu sự ra đời của Luật có khắc phục được vấn đề này hay không? Đây là vấn đề người dân rất quan tâm.

Cùng quan điểm, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) góp ý: “Dự Luật cần quy định cụ thể về nguyên tắc xác định mức thu, mức miễn giảm, trên cơ sở đó phân cấp thẩm quyền giữa trung ương và địa phương, tránh việc nhiều địa phương “xé rào”, không bảo đảm tính thống nhất”.

Đồng tình việc loại bỏ một số loại phí, lệ phí và chuyển sang cơ chế giá, song ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ đối tượng điều chỉnh, thẩm quyền thu phí, lệ phí và làm rõ nguyên tắc cái nào là phí, cái nào là lệ phí, cái nào là xã hội hóa để tránh tình trạng nhập nhằng, lạm dụng để thu. “Đã thu phí, lệ phí là phải vào ngân sách Nhà nước và cần phải tính đến việc công nghệ hóa thông tin khi thu chứ cứ theo hóa đơn viết tay thì sẽ rất khó kiểm soát”. Ủng hộ quan điểm hhu hẹp các khoản phí, lệ phí như trong dự án Luật đưa ra, nhưng ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) vẫn băn khoăn về tình trạng lạm thu tràn lan, gây ra thất thu nhiều hơn là thu được. Đơn cử một số loại phí vô lý, như thu phí vỉa hè, lòng đường, rồi phí trông giữ xe với giá cắt cổ… Mục đích thu là làm đẹp mỹ quan đô thị nhưng thực chất đã đạt được hay chưa lại là một dấu hỏi. “Phí là cung cấp dịch vụ, mới được thu phí, nhưng anh có cung cấp dịch vụ đâu mà đòi thu phí của dân? ”- ĐB Trần Ngọc Vinh nói.

 

Nhiều ĐB đề nghị làm rõ đơn vị nào được thu phí và quản lý khoản thu phí như thế nào (ảnh minh họa)

 

ĐB Vinh kiến nghị, cần làm rõ đơn vị nào được thu phí và quản lý khoản thu từ phí này như thế nào, phí nào không đáng thì nên bỏ, tránh trường hợp nhập nhèm, thất thu dân thì khổ và lợi ích thì chỉ rơi vào một nhóm cá nhân, không công bằng cho xã hội. Chỉ ra những bất cập trong dự luật, ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) phản ảnh, trong dự thảo Luật có nhiều loại phí đọc lên thấy rất buồn cười. Thấy cái gì cũng thu được, thu chồng, thu chéo”. “Lệ phí hoa hồng chữ ký là loại lệ phí gì? Tôi đọc mà không thể hiểu nổi”- ĐB Khanh nói.

Theo ĐB Khanh, hiện nay người dân đi ô tô, xe máy đều phải đóng phí bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, hiện nay các tuyến đường đều được xây dựng theo hình thức BOT nên những người sống trong vùng BOT phải “cõng” rất nhiều loại phí.“Người ta đã nộp phí bảo trì đường bộ rồi nhưng giờ cứ đi ra khỏi nhà là bị phí. Như thế không phí chồng phí thì còn là gì nữa. Chúng ta cần nghiên cứu lấy tiền nhà nước trả cho BOT, chứ nếu không người dân sống ở vùng BOT khổ lắm. Bộ GTVT nói không chồng phí, còn tôi thì tôi khẳng định đó là phí chồng phí”-ông Khanh lên tiếng.

VĂN BÌNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh