THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:55

Nhập khẩu ôtô vào Việt Nam trồi sụt thất thường từ đầu 2018

 

Thị trường hiện chưa có nhiều lựa chọn xe nhập khẩu cho người dùng.

 

Thống kê mới nhất của Tổng Cục Hải Quan, tuần từ 18/5 đến 25/5 lượng xe nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam đạt 939 chiếc, trị giá gần 24,7 triệu USD. So với tuần trước lượng xe nhập khẩu đã tăng hơn 700 chiếc. 

Xe con chiếm phần lớn với 727 chiếc nhập về, xuất xứ từ Thái Lan đến 628 chiếc. Các quốc gia Đức, Hungary, Tây Ban Nha lần lượt chiếm 66, 13 và 11 chiếc, số còn lại từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada.

Lượng xe nhập khẩu tăng giảm thất thường suốt từ đầu năm đến nay, tháng nhiều xe, tháng ít xe. Tháng 3, lượng xe nhập khẩu đạt 3.676 xe, tăng rất mạnh so với số lượng vài trăm xe của 2 tháng đầu năm. Thị trường tưởng chừng đi lên từ đó, nhưng số lượng xe nhập về lại giảm ngay trong tháng 4 còn 2.624 xe. Tính từ đầu tháng 5 đến nay, lượng xe con nhập về Việt Nam đạt khoảng 1.466 xe. Đến hết tháng 4, lượng xe nhập khẩu 2018 đạt 6.754 chiếc, trị giá 179,6 triệu USD, trong khi cùng kỳ 2017 con số này là 33.207 chiếc.  

 

Do sớm có Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại phương tiện (VTA) theo quy định tại Nghị định 116, Thái Lan đã tăng lượng xe xuất khẩu trở lại sang Việt Nam, với những lô xe của Honda Việt Nam và Chevrolet. Trong khi đó, Ford nhập dòng bán tải Ranger hiện vẫn phải chờ đợi sản xuất từ nhà máy tại Thái để nhập về, do chậm chân hơn trong việc có giấy VTA.

Ngoài Thái Lan, xe từ một số nước châu Âu cũng bắt đầu nhập khẩu về Việt Nam, nhưng lượng xe không nhiều. Indonesia vốn là thị trường xuất khẩu xe hàng đầu sang Việt Nam hiện chưa thể có xe. Các mẫu xe nhập khẩu từ Nhật Bản cũng chỉ lác đác, số lượng không nhiều. Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay các dòng xe của Toyota như Land Cruiser Prado hay các mẫu Lexus đều chưa có hàng để bán. 

Thiếu xe nhập, thị trường mất ổn định

Sự trồi sụt của xe nhập khẩu trong những tháng qua, khiến thị trường ôtô có những biến động nhất định. Thiếu nguồn cung, nhân viên đại lý không có xe để bán ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, cũng như uy tín của thương hiệuNhiều khách hàng tỏ ra bức xúc khi ký hợp đồng mua với đại lý nhưng lịch nhận xe bị lùi từ tháng này sang tháng khác, với nguyên nhân chưa có hàng. 

Từ đầu năm, Honda là liên doanh đưa được nhiều xe nhập khẩu về nhất, toàn bộ nhập khẩu từ Thái Lan. Thế nhưng số lượng xe đưa về cũng không đáp ứng kịp nhu cầu của người mua. Sau hơn 2 tháng nhập về lô xe đầu tiên, Honda vẫn chưa đủ xe giao cho khách hàng đã đặt dòng CR-V hoặc việc phân bổ không đều giữa các đại lý, khiến nơi có xe nơi không. 

Nhân viên kinh doanh của Honda vẫn vớt vát được bởi còn có xe giao khách, trong khi những đồng nghiệp bán ôtô Toyota vài tháng nay chỉ bán xe lắp ráp. Dòng xe nhập khẩu Fortuner hiện vẫn chưa thể nhập về để bán là một thiệt thòi lớn, bởi đây là dòng xe có doanh số cao nhất nhì của Toyota tại Việt Nam. 

Khan hiếm Fortuner tại showroom chính hãng khiến dòng xe này trở nên có giá hơn trên thị trường xe cũ. Những chiếc đã lăn bánh cả chục vạn kilomet hiện được rao bán cao hơn cả giá niêm yết của xe mới.

Ford vẫn phải xếp hàng chờ tới lượt vì nhà máy tại Thái Lan đang ưu tiên cho thị trường Philippines dòng xe Ranger. Lô hàng Fortuner nhập khẩu từ Indonesia của Toyota cũng phải sớm nhất hết quý 2 mới về Việt Nam. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu xe từ châu Âu như Porsche, Audi hay BMW cũng không mấy khá khẩm hơn dù đã có giấy chứng nhận VTA, vì vẫn còn vướng mắc nên xe đã về cảng vẫn chưa thể thông quan. 

Nghị định 116 có hiệu lực đã phần nào thanh lọc thị trường ôtô nhập khẩu, nhiều showroom nhỏ lẻ phải đóng cửa hoặc chuyển hướng kinh doanh, do không đủ điều kiện nhập xe về bán. Trong khi đó, các đơn vị nhập khẩu chính hãng vẫn gặp gián đoạn hoạt động kinh doanh do chưa thể đưa xe về bán, dù gần nửa năm 2018 đã đi qua. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh