THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:28

Xuyên trưa chi trả đền bù, hỗ trợ cho ngư dân

Người dân đến chờ làm thủ tục nhận tiền đền bù tại trụ sở UBND xã Vinh Hiền (Phú Lộc)

Chi trả nhanh chóng, kịp thời

Thừa Thiên Huế là tỉnh đầu tiên trong số 4 tỉnh bị ảnh hưởng môi trường biển do sự cố Fomosa gây ra được nhận tiền đền bù và thực hiện chi trả cho người dân. Tổng mức bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển được phê duyệt theo Quyết định 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế gần 750 tỷ đồng. 

Trong đợt 1 này, từ nguồn kinh phí tạm cấp 400 tỷ đồng, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao thẩm quyền phê duyệt cho cấp huyện thực hiện chi trả tại 29 xã bị thiệt hại thuộc các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền và thị xã Hương Trà. Từ ngày 21/10, các địa phương bắt đầu thực hiện việc niêm yết công khai danh sách các đối tượng bồi thường và chi trả tiền bồi thường cho người dân theo số liệu kê khai đối với 7 nhóm đối tượng chịu thiệt hại đã được phê duyệt.

Gần 12h trưa ngày 26/10, chúng tôi có mặt tại UBND xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc). Mặc dù là giờ nghỉ trưa nhưng trước lúc chúng tôi đến đã có hàng trăm người dân tới Ủy ban xã này để làm thủ tục nhận tiền đền bù. Rất nhanh chóng, khoảng 12h30, Tổ chi trả tiền đền bù cũng xuất hiện và bắt tay ngay vào công việc. Họ hướng dẫn người dân trước khi lên tầng 2, trụ sở UBND xã làm thủ tục thì phải như thế nào: từ việc nhỏ nhất là ngồi trật tự đợi đến lúc được gọi tên cho tới việc xem lại có mang theo giấy mời không, CMND còn thời hạn không,…đều được các cán bộ trong Tổ chi trả hướng dẫn nhiệt tình.

Một cán bộ trong Tổ chi trả khi thấy chúng tôi liền chạy tới bắt tay cười niềm nở. “Các anh thấy đó, chúng tôi ăn cơm còn chưa kịp xuống khỏi họng. Tuy nhiên, vì bà con, để quyền lợi của người dân được giải quyết một cách nhanh chóng, kịp thời để họ còn về đi làm việc khác nên anh em chúng tôi động viên nhau: thôi cố gắng phục vụ người dân vì họ đã khổ lắm rồi”.

Cũng tại điểm chi trả tiền đền bù này, người dân khi đến nhận tiền cũng tỏ ra hết sức phấn khởi và họ chủ động ngồi trật tự, chờ đến lượt mình được gọi tên. Ông Trần Văn Sáng, ngư dân ở thôn Đông Dương (Vinh Hiền, Phú Lộc) cho biết: “Sau sự cố môi trường biển, đời sống gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn vì tất cả đều trông vào nghề biển, ngoài ra không có nghề nào khác. Vì miếng cơm manh áo, gia đình tôi vẫn phải bám biển ra khơi nhưng cũng không ăn thua. Để có thêm đồng vào đồng ra, tôi phải đi làm phụ thợ nề thêm cho người ta. Nay được đền bù với số tiền kha khá này, gia đình tôi sẽ trả nợ một phần, phần còn lại thì phục vụ phát triển kinh tế gia đình theo một hướng mới nào đó”. Được biết, tàu của gia đình ông Sáng là loại tàu có công suất nhỏ, chủ yếu đánh bắt gần bờ nên số tiền được đền bù của gia đình ông được nhận là 32 triệu đồng.

Họ ngồi ngay ngắn, trật tự đợi đến lượt mình được gọi đi làm thủ tục

Có thể nói, trong đợt chi trả tiền đền bù cho ngư dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển lần 1 này, các địa phương tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức triển khai một cách nhanh chóng, phù hợp với điều kiện đi lại của người dân. Tại huyện Phú Lộc, sau khi hoàn thành việc chi trả tiền bồi thường cho người dân ở 3 xã Lộc Điền, Vinh Giang, Vinh Hưng, ngày 25/10, huyện Phú Lộc tiếp tục thực hiện việc chi trả tiền bồi thường cho người dân ở xã Lộc Bình Vinh Hải và Vinh Hiền. Theo ghi nhận, việc thực hiện chi trả tiền bồi thường tại 2 điểm chi trả Lộc Binh và Vinh Hải trong ngày 25/10 đã được tiến hành trật tự, nhanh gọn và hoàn thành ngay trong buổi sáng. Trong đó, xã Vinh Hải chi trả hơn 4,1 tỷ đồng tiền bồi thường cho 182 đối tượng người dân bị ảnh hưởng; xã Lộc Bình chi trả gần 4,3 tỷ đồng cho 209 đối tượng bị ảnh hưởng.

Tại huyện Phú Vang, trong đợt 1 này sẽ có 7 xã vùng biển thực hiện chi trả tiền bồi thường cho các đối tượng bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển. Những ngày qua, tại 2 xã Phú Diên và Phú Hải đang thực hiện chi trả, trong đó xã Phú Diên chi trả bồi thường cho gần 800 người dân bị ảnh huởng với tổng số tiền hơn 16 tỷ đồng. Bên cạnh đó, xã Quảng Công là một trong 2 xã vùng biển của huyện Quảng Điền bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển cũng tiến hành chi trả tiền cho người dân với gần 14 tỷ đồng cho 666 đối tượng, trong đó hộ bà Nguyễn Thị Thúy Hằng nuôi trồng thủy sản được nhận số tiền đợt này là 485 triệu đồng.

Rà soát lại hồ sơ, giấy tờ của mình

Kiểm kê đền bù phải minh bạch, khách quan và chính xác

Chiều ngày 26/10, tại phiên Họp báo thường kỳ 9 tháng của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đã có rất nhiều ý kiến của các phóng viên, nhà báo đặt ra đối với lãnh đạo tỉnh này xung quanh đợt chi trả tiền đền bù cho ngư dân. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng UBND, người phát ngôn các vấn đề liên quan đến sự cố môi trường biển của tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định việc kiểm kê thiệt hại, xác minh đối tượng được đền bù để chi trả tiền đền bù đã được thực hiện một cách minh bạch, khách qua và chính xác. Đồng thời, ông Khanh cũng thông tin thêm, tính từ ngày 21/10 tới cuối giờ chiều ngày 26/10, đã có 11/29 tổng số xã bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển được đền bù với tổng số tiền hơn 40 tỷ đồng. “Chúng tôi vẫn đang tiếp tục tiến hành công tác chi trả tiền đền bù cho người dân. Khi nào kết thúc, chúng tôi sẽ thông tin cụ thể các số liệu cho các cơ quan thông tấn báo chí được biết để tuyên truyền đến người dân. Ngoài ra, trong quá trình chi trả, vẫn còn những ý kiến trái chiều, chưa thật sự đồng thuận với kết quả điều tra, xác minh, kiểm kê đền bù, chẳng hạn như ở Phú Vang có 65 ý kiến thì chúng tôi sẽ tiếp nhận và báo cáo Trung ương để tiếp tục giải quyết”, ông Khanh Khẳng định.

Trước câu hỏi của phóng viên Báo Lao động Xã hội, Báo điện tử Dân sinh về các đối tượng chi trả lần này còn nhiều thắc mắc, ông Nguyễn Quang Vinh Bình Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Tại đợt chi trả này, đối tượng nào đã chắc chắn không còn nghi ngờ thì chúng tôi mới tiến hành chi trả. Những đối tượng nào mà chưa rõ ràng, còn nghi ngờ, vướng mắc thì phải tiếp tục xem xét, kiểm tra lại và tiến hành chi trả trong đợt sau nếu họ nằm trong diện được bồi thường, đền bù.”

Người dân vui vẻ khi nhận được tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển

Về vấn đề giải quyết sinh kế lâu dài cho người dân, cả ông Bình và ông Khanh đều cho biết tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn đang chờ đợi các Đề án của cấp trên. “Khi nào các Đề án về tái tạo nguồn lợi thủy hải sản, phát triển sinh kế của người dân do các bộ, ban ngành trình và được Trung ương phê duyệt đưa về địa phương triển khai thực hiện, chúng tôi sẽ có những Đề án nhỏ phù hợp dựa trên Đề án chung để phục vụ sinh kế lâu dài của người dân”, ông Khanh nhấn mạnh.

Thảo Vi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh