Nhắn tin khi lái xe: Không khác gì bị bịt mắt khi cầm lái
- Công nghệ mới
- 23:03 - 27/11/2018
Vừa lái xe vừa nhắn tin, nguy cơ tai nạn rất cao.
Nghiên cứu chỉ ra rằng não bộ chúng ta gặp khó khăn trong việc xử lý hai công việc cùng một lúc. Thực tế, chúng ta có thể làm được nhiều việc nhưng chắc chắn sẽ thực hiện từng cái chậm hơn. Nhiều người cho rằng họ có thể làm hai việc cùng một lúc - như là nói chuyện hay nhắn tin trên điện thoại trong khi đang lái xe.
Tuy nhiên, sự thật là chúng ta không có khả năng tập trung hoàn toàn vào cả hai hành động này. Trong trường hợp đó, người lái xe sẽ ngừng quan sát môi trường xung quanh họ. Và điều này đặc biệt trở nên nguy hiểm hơn đối với các tài xế mới, những người không có thói quen quan sát đường phố và cảnh giác trước những hiểm họa, nay lại bị phân tán thêm bởi chiếc điện thoại trên tay.
Là một trong những chuyên gia hướng dẫn lái xe hàng đầu của Ford, ông Matt Gerlach nhận định với một người bình thường, việc lái xe hàng ngày sẽ tốn khoảng 85% năng lượng bộ não của họ. Do đó, việc gửi đi một tin nhắn hay một bức hình selfie, hay thậm chí chỉ là nói chuyện với một hành khách, có thể làm quá tải bộ não khi đang lái xe, gia tăng khả năng gây tai nạn.
Nghiên cứu sau đó chỉ ra rằng tình trạng lái xe xao nhãng làm giảm khả năng thị lực của người lái tới 50%. Điều này có nghĩa là người lái xe sẽ không nhìn thấy được những thứ quan trọng ngay trước mắt họ như đèn đỏ, người đi bộ và các vật cản trên đường, đưa mọi người xung quanh vào tình thế nguy hiểm.
Các chuyên gia đã tìm ra được bốn nhóm xao nhãng cho người lái xe gồm xao nhãng về thị giác như khi nhìn vào điện thoại, khiến cho người lái rời mắt khỏi đường đi, xao nhãng về thính giác như nhạc to, làm cho người lái xe bỏ qua những âm thanh quan trọng trên đường, các thao tác bằng tay như ăn uống, dẫn tới việc tài xế phải bỏ một tay hoặc thậm chí là cả hai tay ra khỏi vô lăng và sự thiếu tỉnh táo khi bị mệt mỏi, giảm khả năng tập trung. Và việc sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe tập hợp đủ bốn yếu tố này!
Bất chấp những nguy cơ đến từ việc sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe, rất nhiều người trên khắp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thường bỏ qua những cảnh báo này. Khảo sát của Ford cho thấy 43% bậc cha mẹ tại Châu Á - Thái Bình Dương thừa nhận đã gây ra tai nạn hay suýt gặp phải tai nạn do xao nhãng khi lái xe.
Hơn một nửa số tài xế ở Châu Á - Thái Bình Dương thừa nhận dùng điện thoại khi đang lái xe, mặc dù họ nhận thức được sự nguy hiểm của việc làm này.
Dù các hãng xe đã phát triển các hệ thống hỗ trợ người lái tân tiến như Hệ thống Cảnh báo Va chạm (Pre-Collision Assist) cùng Hệ thống Cảnh báo Người đi bộ (Pedestrian Detection), các chuyên gia khẳng định các lái xe không thể xao nhãng và cần luôn nhớ không sử dụng dụng điện thoại khi lái xe để có thể nhận thức được tất cả những gì đang xảy ra xung quanh mình.