Nhận thức rõ bình đẳng giới và hành động trong thời công nghệ 4.0
- Y học 360
- 00:44 - 26/12/2019
Những năm gần đây, chúng ta hay dùng cụm từ "bình đẳng giới". Đây là vấn đề cần tìm hiểu để đi đến thống nhất trong nhận thức và hành động.
Bình đẳng giới có nghĩa là nữ giới và nam giới đều có cơ hội như nhau để làm việc và phát triển. Bình đẳng giới trong gia đình là mọi thành viên trong gia đình, trước hết là vợ chồng đều có vai trò, trách nhiệm và quyền lợi ngang bằng nhau trong lao động, học tập, nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe sinh sản, hưởng thụ văn hóa và tham gia các hoạt động xã hội.
Bình đẳng giới và mô hình người phụ nữ hiện đại
Giải phóng và phát triển toàn diện đối với phụ nữ là một trong những mục tiêu của Cách mạng Việt Nam, một trong những nhân tố cơ bản quyết định sự phát triển của đất nước, của dân tộc. Do vậy, ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng và Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước, vấn đề giải phóng phụ nữ và thực hiện quyền bình đẳng nam nữ đã được xác định rất rõ ràng và đã có nhiều chủ trương, chính sách để thực hiện giải phóng phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển.
Chị Cúc Phương (quận 9, TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Bình đẳng giới trong gia đình đầu tiên là phải tạo điều kiện cho vợ có công ăn việc làm, có thu nhập. Người này nhiều hơn, người kia ít hơn một tí nhưng khi phụ nữ có công ăn việc làm thì sẽ có cái kinh tế, làm chủ cuộc sống, đồng nghĩa với việc người đàn ông sẽ tôn trọng người vợ của mình. Phụ nữ cũng đi làm kinh tế như đàn ông thì một số việc trong nhà của phụ nữ phải cần người đàn ông chia sẻ như: Dạy bảo con cái học hành, phụ giúp dọn dẹp nhà cửa… Theo thế mạnh của từng người mà làm chứ không phải là đổ dồn hết cái trách nhiệm dạy bảo con, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa... cho phụ nữ".
Anh Nguyễn Quang Tuấn (quận Thủ Đức) cho biết: Thông qua việc dạy con học, mình sẽ gắn kết giữa người cha với người mẹ, với con cái. Gia đình là nơi để yêu thương và phát triển tình yêu thương, đầu tiên là phải có sự gắn kết, nếu không có gắn kết thì tình yêu thương không thể phát triển.
Cần thấy rõ vai trò và tầm quan trọng của người phụ nữ trong việc xây tổ ấm gia đình - nền tảng của xã hội. Không có hạnh phúc gia đình thì không có xã hội bền vững. Mẫu người phụ nữ mà tương lai mong đợi là mẫu người "đảm việc nước, giỏi việc nhà", vai trò vượt ra khỏi phạm vi gia đình nhưng không đánh mất vai trò xây dựng hạnh phúc gia đình, để ngày càng có nhiều đóng góp cho xã hội mà nền tảng gia đình vẫn luôn vững chắc".
Một bộ phận cho rằng: Phụ nữ chỉ nên làm tốt công việc gia đình, không cần học rộng, biết nhiều, không cần thăng tiến, không cần bươn chải kiếm tiền. Một bộ phận khác lại phủ nhận thiên chức làm mẹ, làm vợ và cho rằng trong gia đình người nào kiếm được nhiều tiền thì mới có quyền hành đích thực.
Theo sự thay đổi chung của thời đại, ngày nay, ngoài trách nhiệm truyền thống làm con, dâu, mẹ, vợ…, người phụ nữ đã thực sự bước vào xã hội với nhiều vai trò khác nhau trên các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật… Và họ đã và đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cơ quan, doanh nghiệp… ngày càng chiếm tỷ lệ cao.
Bà Đặng Trần Nguyên Thảo, Chủ tịch hội Chữ thập đỏ quận Thủ Đức cho biết: Rất nhiều phụ nữ làm ra tiền, có địa vị xã hội nhưng vẫn không quên thiên chức làm vợ, làm mẹ. Họ biết tận dụng giờ nghỉ, tranh thủ đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái, chăm sóc chồng và cả gia đình chồng, lại còn tranh thủ đi học để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Đó mới chính là hiện thân của phụ nữ trong thời đại mới, hội đủ các yếu tố "công, dung, ngôn, hạnh" thời nay.
Đã có một thời, nề nếp gia đình truyền thống bị coi là cổ hủ, phong kiến, kìm hãm sự nghiệp giải phóng phụ nữ và chúng ta đã dần xóa bỏ cái cũ, cái lạc hậu của mô hình "gia đình phong kiến". Tuy nhiên, không thể xóa bỏ triệt để mà chúng ta cần phải trân trọng những cái hay, cái đẹp, cái tinh hoa của gia đình truyền thống, cụ thể là nét văn hóa ứng xử trong quan hệ vợ chồng, quan hệ giữa bố, mẹ chồng và con dâu, quan hệ giữa cha, mẹ và con cái.
"Trong cơ chế thị trường hiện nay, nếu không gìn giữ và phát huy những vốn quý đó thì những giá trị đạo đức rất dễ bị đảo lộn. Sự dịu dàng, ân cần, khéo léo, sự ngoan ngoãn, tôn trọng người trên và tình yêu, tình thương của người con, người vợ, người mẹ sẽ trở thành chìa khóa bảo vệ hạnh phúc gia đình, xây dựng gia đình trở thành tổ ấm thực sự, góp phần xây dựng một xã hội phát triển lành mạnh", bà Thảo cho biết thêm.
Người phụ nữ phải làm tốt thiên chức cao đẹp của người vợ, người mẹ, đó là cơ sở để chị em tham gia công tác xã hội đạt hiệu quả. Ngược lại, vị thế xã hội cũng giúp cho người phụ nữ có uy tín và điều kiện nuôi dạy con cái, gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Ông Nguyễn Văn Lân (nguyên cán bộ phường Tân Quy, quận 7, TP. Hồ Chí Minh). Nam giới hay nữ giới không quan trọng, không nên có thái độ kỳ thị, phân biệt, từ bỏ vai trò, thiên chức của mình, quên phát huy ưu điểm, thế mạnh của mình. Người phụ nữ không nên tự ti về bản thân, người đàn ông cũng phải thấy được giá trị cao quý của người phụ nữ để có thái độ trân trọng và cư xử đúng mực. Điều quan trọng là thiết lập đuợc các mối quan hệ tốt trên cơ sở của sự hiểu biết và tình yêu thương, tôn trọng lẫn nhau. Đó là con đường hạnh phúc, mục tiêu sau cùng của cuộc sống.
"Không thể bỏ phí tiềm năng, trí tuệ của một nửa nhân loại chỉ vì những định kiến và suy nghĩ lỗi thời, nhất là khi loài người đang tiến dần đến nền kinh tế tri thức - nơi "sức mạnh cơ bắp" phải nhường chỗ cho "sức mạnh trí tuệ". Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, tiến tới hội nhập thế giới và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội", ông Nguyễn Văn Lân cho biết thêm.
Đàn ông có cần được bình đẳng giới?
Chẳng hạn, quan niệm nam giới phải mạnh mẽ, không được khóc, không được thể hiện cảm xúc là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tỉ lệ tự tử ở nam cao gấp 3 lần nữ giới, tuổi thọ cũng ngắn hơn. Rất nhiều nam giới bị rối loạn tâm lý nhưng không dám đi khám, chữa hoặc tìm đến sự giúp đỡ vì họ sợ bị dị nghị là "yếu ớt" hay "thiếu nam tính". Chưa kể, nếu họ theo đuổi các ngành nghệ thuật thì sẽ bị miệt thị và nói là "yếu đuối", "đàn bà", "gay".
Cuộc cách mạng "nam nữ bình quyền" cần phải thôi thúc "từng người, từng gia đình, đến toàn dân" thực hiện. Mọi người đều thấm nhuần là cuộc cách mạng này "dù to và khó nhưng nhất định thành công".