THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:26

Nhân lực y tế: Nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng thực hành

 

Sinh viên ra trường phải “vừa học vừa làm”

Theo ông Nguyễn Minh Lợi, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), từ năm 2008 đến nay số lượng các cơ sở đào tạo trình độ ĐH y khoa tăng gấp 3 lần, từ 8 lên 24 trường, tuy nhiên, trung bình ở Việt Nam hiện vẫn chỉ có khoảng 8 bác sĩ/10.000 dân và 2,2 dược sĩ ĐH/10.000 dân.

 Mặc dù là ngành y liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người, nhưng nhiều tiêu chí đối với chuyên ngành đào tạo này chưa được chú trọng đúng mức. tiêu chí thành lập cơ sở đào tạo y tế còn đơn giản, chuyên môn của giảng viên chưa được đánh giá. Hiện cơ chế kiểm soát chất lượng đào tạo y khoa chưa rõ ràng, mới ở mức kiểm định cơ sở đào tạo mà chưa tiếp cận đến chương trình đào tạo; đánh giá sinh viên nặng về kiến thức thay vì năng lực, kỹ năng thực hành. Trong lĩnh vực cấp chứng chỉ hành nghề chưa có cơ chế rõ ràng để kiểm soát chất lượng khi không thi sát hạch; cấp một lần được sử dụng vĩnh viễn; cơ chế giám sát đào tạo liên tục kém hiệu quả, không kiểm định…

 

Sinh viên ngành y thực tập tại bệnh viện

 

Cùng với đó, tình trạng chênh lệch về số lượng, chất lượng và sự phân bố cán bộ y tế giữa các vùng, miền thiếu đồng đều đến nay vẫn là một bài toán nan giải. Một số chuyên ngành như truyền nhiễm, tâm thần, xét nghiệm, y tế dự phòng thiếu bác sĩ cả ở các đơn vị trung ương và địa phương. Sự chênh lệch về chất lượng các dịch vụ y tế giữa các vùng miền đang là vấn đề lớn cần quan tâm khi dịch vụ y tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển, đảo còn ở mức độ thấp so với vùng đồng bằng, thành thị. Điều đó dẫn tới chỉ số về sức khỏe của người dân có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền.

Cùng quan điểm cho rằng, đào tạo nhân lực y tế còn quá thiên về lý thuyết, thiếu thực tiễn, chất lượng nhân lực y tế nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, GS-TS Trần Bình Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) nêu ví dụ: Nhiều nước trên thế giới, sinh viên ngành y sau 6 năm học đại học, ra trường muốn hành nghề bắt buộc phải đào tạo thêm 12-13 năm, trong đó việc đào tạo thực hành chiếm một nửa thời gian. Còn tại Việt Nam, sinh viên sau 6 năm học ra trường là  được “quẳng” về một bệnh viện để tự xoay xở.  Với những kiến thức đa phần là lý thuyết, họ phải “vừa học vừa làm”, nhờ những người đi trước “cầm tay chỉ việc”…

Cần chỉ định hệ thống các bệnh viện tham gia công tác đào tạo

 Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện nay công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế của Việt Nam đang đứng trước không ít những khó khăn thách thức từ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, dân số tăng và già hóa, đòi hỏi chuẩn mực chăm sóc sức khỏe cao hơn cả về số lượng đến mô hình bệnh tật thay đổi theo xu hướng tỉ lệ các bệnh không lây nhiễm gia tăng liên tục ở mức cao.Ngoài ra, Việt Nam đã ký thỏa thuận khung công nhận lẫn nhau giữa các nước trong khu vực ASEAN về các lĩnh vực Y khoa, Nha khoa và Điều dưỡng đòi hỏi Nhà nước phải công bố chuẩn năng lực cơ bản cho từng đối tượng và tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề.

Trong khi đó, thực trạng đào tạo nhân lực y tế của Việt Nam đamg bộc lộ nhiều bất cập.“Tại Nhật Bản, sau 40 năm mới có thêm một trường đại học được đào tạo bác sĩ dù trường đào tạo điều dưỡng, kỹ thuật viên rất nhiều, trong khi ở nước ta cả trường đại học đa ngành cũng được đào tạo bác sĩ. Chưa kể với nguồn tài chính hiện nay, các trường y chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư trang thiết bị phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành đáp ứng yêu cầu học tập của sinh viên”, Bộ trưởng Tiến nêu ví dụ.

Bên cạnh đó, theo bà Tiến, hiện các chính sách thu hút nguồn nhân lực làm việc ở các khu vực khó khăn còn chưa đủ mạnh. Điều này dẫn tới chất lượng nhân lực y tế nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

 

Nhân lực vẫn luôn là vấn đề nan giải với ngành y

 

Trao đổi với các chuyên gia y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Các quy định cho đào tạo nhân lực y tế ở Việt Nam còn chưa phù hợp, chưa mang tính đặc thù, đặc biệt còn có những vấn đề chưa hội nhập quốc tế.  Việt Nam chưa có các thể chế quy định cụ thể riêng đối với đào tạo nhân lực y tế, nhất là các tiêu chuẩn, tiêu chí về cơ sở đào tạo, cơ sở thực hành, đội ngũ giảng viên và cơ chế tài chính. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tỉ lệ bác sĩ/vạn dân ở Việt Nam hiện mới đạt 7,8, cán bộ y tế/vạn dân khoảng 20 người trong khi mức trung bình của thế giới lần lượt là 20 và 50 cho thấy Việt Nam đang thiếu nghiêm trọng số lượng lẫn chất lượng cán bộ y tế.

Theo Phó Thủ tướng, việc đổi mới công tác đào tạo nhân lực y tế của Việt Nam là một quá trình lâu dài, cần sự chỉ đạo thống nhất của cơ quan quản lý như Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế cũng như sự đồng thuận, tham gia tích cực của cả hệ thống đào tạo nhân lực y tế.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh tới sự linh hoạt trong công tác đào tạo để không xảy ra tình trạng thiếu bác sĩ và cần chỉ định hệ thống các bệnh viện tham gia công tác đào tạo. Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ trong xây dựng các văn bản quy định liên quan đến đặc thù đào tạo nhân lực y tế để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như bảo đảm quyền lợi về ngạch, bậc lương cho nhân lực ngành y tế với quan điểm tôn trọng lịch sử về phần bằng cấp nhưng năng lực đi theo bằng cấp cần được tiếp tục điều chỉnh, bổ sung...

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh