THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:51

Nhân lực công nghệ thông tin: Tăng trên 50% trong 12 tháng tới

Kỹ sư phần mềm khó tuyển dụng nhất

Kết quả khảo sát cho thấy, các cty IT tại Việt Nam đang tăng trưởng nóng và phát triển rất nhanh, dễ hiểu vì sao nhu cầu nhân sự lĩnh vực này luôn “khát”. Cụ thể, 80% doanh nghiệp đã lên kế hoạch tăng số lượng nhân sự lên ít nhất 20% trong 12 tháng tới. Trong đó, 55% Cty có kế hoạch tăng lượng nhân sự từ 20% - 50% và 25% Cty tham gia khảo sát khẳng định sẽ tăng số lượng nhân viên tới trên 50%.

Thiếu nguồn lao động có kỹ năng đang là rào cản lớn nhất cho phát triển. Vấn đề này với các Cty còn quan trọng hơn cả việc tìm nguồn khách hàng mới. Mặc dù Ấn Độ và Trung Quốc thường được so sánh với Việt Nam như là những đối thủ cạnh tranh chính, 50% các công ty IT nước ngoài đã cân nhắc các nước Đông Nam Á như Malaysia, Thailand, Singapore, Philippines trước khi lựa chọn Việt Nam. Ông Phạm Bình Nguyên, CTO của Gianty, Cty làm sản phẩm IT của Nhật Bản, giải thích về lựa chọn Việt Nam làm thị trường phát triển: “Chúng tôi chỉ lựa chọn đặt cty tại Việt Nam vì chi phí cạnh tranh, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ có chi phí cao, còn các nước khác thì kỹ sư IT có trình độ kỹ thuật không được tốt bằng.”

Mặc dù tốc độ phát triển nhanh, các Cty tham gia khảo sát tin rằng họ còn có thể phát triển nhanh hơn nữa nếu có thêm nguồn ứng viên có kỹ năng tốt. 70% các Cty tham gia khảo sát, trong đó tới 90% Cty nước ngoài cho biết, thiếu ứng viên kỹ năng tốt là nhân tố số một làm chậm sự phát triển của họ. 65% cho biết kỹ sư phần mềm gồm: lập trình viên có kinh nghiệm và kiến trúc sư phần mềm là hai vị trí khó tuyển dụng nhất tại Việt Nam.

Khả năng tìm nguồn khách hàng cũng là rào cản phát triển tiếp theo của 10% Cty IT nước ngoài và 38% Cty Việt Nam. Và cản trở lớn nhất cho sự phát triển chuyên môn cao của kỹ sư IT của VN chính là ngoại ngữ quá kém, trong khi tài liệu về các công nghệ mới hoàn toàn bằng tiếng Anh, khiến họ không thể tiếp cận được.

 IT không lo thiếu việc trong nhiều năm tới

Ước tính, riêng máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh, đến năm 2016 sẽ có 2,6 tỉ thiết bị sẽ được bán ra trên toàn cầu. Trong khi các nhà sản xuất phần cứng không ngừng chạy đua công nghệ, liên tục “vũ trang” cho sản phẩm của họ những bộ vi xử lý mới hiện đại, tân tiến nhất thì các nhà phát triển hệ điều hành, ứng dụng phải liên tục cần nhân sự giỏi để chạy theo sự cách tân vũ bão này. Kỹ sư phần mềm là nhu cầu tiên quyết để đảm bảo các sản phẩm hoàn hảo nhất đến được tay của khách hàng. Do đó, không chỉ ở Việt Nam mà nhìn rộng ra thế giới, có thể dự đoán các kỹ sư chất lượng cao sẽ không lo thiếu việc trong nhiều năm tới.

Sự phát triển mạnh mẽ này về công nghệ đem đến những thử thách không ngừng cho các Cty thuộc lĩnh vực IT, mà thách thức hàng đầu đó là tuyển dụng và giữ chân nhân viên có kĩ năng tốt để phát triển công việc kinh doanh. Trong khi các doanh nghiệp trong nước cần tuyển hơn 400.000 lao động IT (giai đoạn từ 2013- 2018) thì mỗi năm cả nước chỉ đào tạo được khoảng 60.000 nhân lực. Ông Chris Harvey, CEO & Founder của ITviec cho biết: “Hầu hết các khách hàng của chúng tôi đều có nhu cầu tuyển dụng thêm trong năm 2015. Doanh nghiệp có nhu cầu sẽ tuyển thêm 10%, 25% thậm trí là 50% số lượng nhân viên mới.”

 “Lực lượng lao động chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng. Các Cty đang cạnh tranh mạnh mẽ để thu hút và giữ chân những nhân viên tài năng để có thể phát triển công việc kinh doanh của mình.”- Ông Chris Harvey cho biết thêm.

Cuộc khảo sát cũng hé lộ những nhu cầu và mong muốn của nhân viên IT. Với 500 nhân viên IT chất lượng cao tại Việt Nam tham gia khảo sát của ITviec.com đã cho thấy các Cty IT cần làm gì để thu hút và giữ chân nhân viên của mình, như: Cần tạo điều kiện học hỏi, training và cơ hội thăng tiến; đào tạo tại nước ngoài được đặc biệt xem trọng; tạo ra những công việc thử thách và thú vị; cung cấp cơ hội làm việc lâu dài với một sản phẩm; cải thiện mối quan hệ giữa cấp quản lý và nhân viên...

 

Cũng theo một khảo sát trước đó của ITviec, 57% người tham gia khảo sát muốn làm việc tại Cty IT nước ngoài, trong khi chỉ có 6% muốn làm việc tại Cty Việt Nam; 37% không quan trọng loại Cty nào; 42% nhân viên đang làm việc tại Cty Việt Nam muốn chuyển sang Cty nước ngoài và không có người nào đang làm việc tại Cty nước ngoài muốn chuyển sang làm việc tại Cty Việt Nam.

Nguyễn Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh