THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:30

Bổ nhiệm người thân trong gia đình vào các vị trí lãnh đạo, nhân dân mất niềm tin

“QH chia sẻ khó khăn với đồng bào cả nước”

Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIV, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, QH khóa XIV bắt đầu nhiệm kỳ trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Bước vào giai đoạn phát triển mới, nhân dân và cử tri kỳ vọng QH khóa XIV sẽ kế thừa, phát huy những thành tựu của những khóa trước, tiếp tục đổi mới nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Chủ tịch QH đánh giá, cuộc bầu cử vào ngày 22 /5/2016 lựa chọn bầu ra 494 đại biểu QH là những người tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đại diện cho ý chí và trí tuệ của nhân dân, thay mặt nhân dân quyết định những công việc quan trọng của đất nước tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, với sự tín nhiệm, tin tưởng của đồng bào cử tri cả nước, 494 đại biểu QH vừa được bầu sẽ là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để QH khóa XIV phấn đấu hoàn thành tốt các trọng trách được nhân dân giao phó.

Phân tích cụ thể bối cảnh mới, Chủ tịch QH cho biết, trong những tháng đầu năm 2016, tình hình thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu phát triển không ổn định; tình hình Biển Đông diễn biến rất phức tạp… Trong nước, bên cạnh những thuận lợi, thì diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn tới sản xuất và đời sống của nhân dân- đặc biệt, là sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân
 

“QH chia sẻ khó khăn với đồng bào cả nước và yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nâng cao tinh thần trách nhiệm để giải quyết có hiệu quả, nhanh chóng những vấn đề liên quan đến sản xuất và đời sống của nhân dân”- Chủ tịch QH bày tỏ. 

Theo đó, bà Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, bối cảnh đặt ra cho QH khóa XIV những nhiệm vụ nặng nề, yêu cầu bức thiết, đòi hỏi QH, các cơ quan của QH, mỗi đại biểu QH nhận thức rõ trách nhiệm trước đồng bào, cử tri cả nước để học tập, rèn luyện nâng cao năng lực chuyên môn và bản lĩnh để tích cực, chủ động và sáng tạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Sáng suốt lựa chọn bầu và phê chuẩn những người xứng đáng

Cũng tại phiên khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phân tích bối cảnh tình hình hoạt động của QH khóa XIV, đồng thời gợi mở một số định hướng lớn cần quan tâm thực hiện trong nhiệm kỳ này. Chỉ ra bối cảnh trong nước và quốc tế mà QH khóa XIV đối mặt khi bắt đầu trọng trách của mình, Tổng Bí thư kiến nghị QH quan tâm thực hiện một số định hướng lớn.

"Tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò và hiệu lực quản lý của nhà nước, bảo đảm giữ vững ổn đinh chính trị, phát triển kinh tế xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, xây dựng nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh", Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở một số định hướng lớn cần quan tâm thực hiện trong nhiệm kỳ này. 

Theo Tổng Bí thư, yêu cầu đến năm 2020 nước ta có đủ các đạo luật cơ bản cần thiết… "Trong việc xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta phải luôn kiên định lập trường tư tưởng, giữ vững mục tiêu, quan điểm, đường lối của Đảng, chú trọng học hỏi kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu có chọn lọc, vận dụng sáng tạo phù hợp điều kiện, tình hình Việt Nam. Tuyệt đối không mơ hồ, mất cảnh giác, để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá chúng ta bằng cách hướng lái hệ thống luật pháp đi con đường khác, nhất là trong điều kiện đất nước hội nhập ngày sâu rộng hiện nay", Tổng Bí thư nhắc nhở.

Về công tác nhân sự của kỳ họp, Tổng Bí thư nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ hệ trọng, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của các đại biểu QH. "Căn cứ tiêu chuẩn chung của cán bộ, chú trọng năng lực, sở trường, chuyên môn được đào tạo, kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển, kết hợp yêu cầu trước mắt với các bước chuẩn bị cho các khóa tiếp theo, kết hợp tính kế thừa và phát triển, đề nghị các đại biểu QH dân chủ thảo luận, sáng suốt lựa chọn bầu và phê chuẩn những người xứng đáng vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan nhà nước", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Nhân dân bức xúc về tình trạng bổ nhiệm người thân trong gia đình vào các vị trí lãnh đạo

Liên quan đến ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, bộ máy hành chính nhà nước ở nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị vẫn chưa tinh gọn. Việc phân định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có lĩnh vực còn chồng chéo hoặc chưa bao quát hết các hoạt động trong thực tiễn. Cơ chế xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước các cấp và người đứng đầu cấp ủy Đảng cùng cấp còn chưa rõ là một nguyên nhân của sự trì trệ trong quản lý nhà nước và tiêu cực, tham nhũng…

"Nhất là, tình trạng bổ nhiệm người thân trong gia đình vào các vị trí lãnh đạo mà không bảo đảm quy trình và các tiêu chuẩn về đạo đức, trình độ năng lực, uy tín đã làm giảm niềm tin của Nhân dân", ông Nhân nói.

Người đứng đầu MTTQ Việt Nam cũng thông tin, việc Cty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh(Formosa) che dấu việc xả thải gây ô nhiễm môi trường và gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt ở 4 tỉnh ven biển miền Trung đã gây nhiều bất bình và bức xúc trong Nhân dân và công luận. “Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương tiếp tục có các giải pháp tích cực, cụ thể để giải quyết hậu quả trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường, bảo đảm cuộc sống của người dân và sự phát triển của địa phương; Giám sát Cty Formosa thực hiện đầy đủ các cam kết, đồng thời  yêu cầu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã buông lỏng trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư và bảo vệ môi trường”, ông Nhân cho biết thêm.

Cũng trong chiều 20/7, Chủ tịch QH khóa XIII Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Ủy ban thường vụ QH khóa XIII trình bày Tờ trình về số Phó Chủ tịch, số Ủy viên Ủy ban thường vụ QH. Theo tờ trình, Uỷ ban Thường vụ QH đề nghị QH xem xét cơ cấu Uỷ ban Thường vụ QH khoá XIV là 18 người như khoá trước, gồm Chủ tịch QH, 4 Phó Chủ tịch QH và 13 Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ QH. Chiều cùng ngày các Đoàn đại biểu QH họp để bầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn; thảo luận về dự kiến số Phó Chủ tịch, số Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH.

 

Kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIV bắt đầu chương trình làm việc, với 494 đại biểu QH. Theo chương trình dự kiến, việc nhân sự sẽ bắt đầu từ chiều 20/7 cho đến hết ngày 28/7. Ngoài bầu Chủ tịch QH, Chủ tịch nước, Thủ tướng, QH còn quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ và phê chuẩn các thành viên Chính phủ. 
Ngoài nhân sự, QH sẽ dành khoảng hai ngày làm việc để xem xét, thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2016.
QH cũng sẽ phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2014. Cùng với đó, tuy không xem xét bất cứ dự án luật nào, nhưng ở kỳ họp này, QH sẽ phải quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cùng chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2017.

Thanh Nhung/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh