Nhận biết những biến chứng nguy hiểm do rung nhĩ
- Y học 360
- 07:23 - 30/06/2022
Trường hợp người bệnh L.A.N. (69 tuổi, ngụ tại Cần Thơ) được chẩn đoán rung nhĩ và được chỉ định điều trị bằng thuốc gần 1 năm nay. Do việc đi lại khó khăn, ông N. không đến tái khám mà tự mua thuốc kháng đông để uống theo toa cũ. Sáng cùng ngày, ông N. đang ngồi đọc sách đột nhiên thấy liệt tay phải và giọng nói đớ.
Ngay khi ông N. vào khoa Cấp cứu, quy trình báo động đột quỵ được kích hoạt, ông N. đã được cấp cứu can thiệp kịp thời và hồi phục nhanh chóng. Đây là một trường hợp sử dụng thuốc kháng đông không theo dõi đúng cách dẫn đến biến chứng đột quy, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ để lại hậu quả nặng nề.
GS, TS, BS Trương Quang Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Tim mạch BV ĐHYD TPHCM cho biết, tình trạng tim đập nhanh do rung nhĩ về lâu dài có thể thúc đẩy suy tim tiềm tàng hoặc suy tim tăng nặng. Hậu quả nghiêm trọng nhất chính là hình thành cục máu đông (huyết khối) trong tâm nhĩ, dẫn đến các biến chứng vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là đột quỵ.
Các huyết khối có thể di chuyển theo dòng máu tới các động mạch trong cơ thể, gây ra tình trạng tắc nghẽn mạch máu. Trường hợp huyết khối gây tắc động mạch nuôi não thì dẫn đến nhồi máu não hay còn gọi là đột quỵ. Đây cũng là biến chứng nguy hiểm nhất do rung nhĩ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ cho sức khỏe người bệnh mà còn tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Theo TS, BS Nguyễn Bá Thắng - Trưởng Trung tâm khoa học Thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ BV ĐHYD TPHCM, người bệnh rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ tăng cao nếu xảy ra ở các người bệnh lớn tuổi, đi kèm cao huyết áp, đái tháo đường, suy tim, đã có các bệnh lý liên quan đến mạch máu, đặc biệt là người bệnh đã từng bị đột quỵ hoặc có những cơn thiếu máu não thoáng qua.
Bên cạnh đột quỵ, người bệnh rung nhĩ có thể mắc các biến chứng liên quan đến tim. Dấu hiệu nhận biết rõ nhất chính là tình trạng tim đập nhanh, khó thở. Nếu các cục máu đông di chuyển và làm tắc động mạch ở tim, người bệnh rung nhĩ sẽ có bệnh cảnh của nhồi máu cơ tim gồm đau ngực dữ dội và kéo dài kèm vã mồ hôi, tụt huyết áp, thậm chí là đột tử.
Chiến lược phòng ngừa đột quỵ và suy tim ở người bệnh rung nhĩ
Theo GS, TS, BS Trương Quang Bình, người bệnh rung nhĩ khi đã phát triển các biến chứng như suy tim, đột quỵ thì rất khó điều trị dứt điểm. Cách cải thiện tốt nhất chính là chấp nhận sống chung với bệnh và xây dựng kế hoạch phòng ngừa tối đa các biến chứng. Trong đó, sử dụng thuốc kháng đông là phương pháp phổ biến.
TS, BS Nguyễn Bá Thắng chia sẻ, mục đích sử dụng thuốc kháng đông trên người bệnh rung nhĩ là ngăn ngừa sự hình thành huyết khối trong tim. Do đó, việc dùng thuốc cần được duy trì xuyên suốt thời gian điều trị bệnh và chỉ ngừng khi các yếu tố gây huyết khối ở tim được loại bỏ hoàn toàn (có sự xác nhận của bác sĩ tim mạch). Tại BV ĐHYD TPHCM, với thế mạnh trong phối hợp đa chuyên khoa, Bệnh viện đã xây dựng phác đồ điều trị toàn diện cho người bệnh rung nhĩ từ bước chẩn đoán, đánh giá nguy cơ đến quyết định phương pháp điều trị và xây dựng chiến lược dự phòng. Bệnh viện cũng trang bị đầy đủ các thiết bị, phương tiện để điều trị, xử lý kịp thời và nhanh chóng các tác dụng phụ của thuốc kháng đông nếu có.
Để đạt được hiệu quả tối đa, người bệnh cần tuân thủ điều trị, dùng thuốc theo đúng liều lượng được yêu cầu hàng ngày và tái khám đầy đủ để được Bác sĩ theo dõi, điều chỉnh thích hợp. Bên cạnh đó, cần xây dựng và duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, thói quen sinh hoạt lành mạnh.