Nhận biết nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản
- Y học 360
- 07:08 - 13/01/2022
ThS, BS Cao Ngọc Tuấn - Phó Trưởng khoa Tiêu hoá, BV ĐHYD TP.HCM chia sẻ, tần suất mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản đang có xu hướng gia tăng. Tại Việt Nam, ước tính hơn 7 triệu người đang bị mắc bệnh trào ngược dạ dày. Các cơn trào ngược axit do bệnh gây ra khiến cuộc sống sinh hoạt và công việc của người mắc bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trào ngược dạ dày thực quản xuất phát từ hai nhóm nguyên nhân. Thứ nhất là do cơ thắt thực quản suy yếu, thoát vị hoành hoặc hoạt động tiết dịch của thực quản không còn hiệu quả. Thứ hai, trào ngược dạ dày thực quản do dạ dày quá căng, chậm rỗng dạ dày hay rối loạn chức năng môn vị, tăng tiết axit…
Dựa vào các nhóm nguyên nhân mà bệnh lý cũng xuất hiện những triệu chứng khác nhau. Điển hình như nóng rát vùng sau xương ức; ợ nóng, ợ chua; đắng miệng, chua miệng; nuốt khó hoặc đau; cảm giác đau ngực (không do tim); buồn nôn và nôn sau khi ăn… Các triệu chứng tuy có rất nhiều nhưng thường bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác về tiêu hóa hoặc tim mạch.
Chẩn đoán, điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Theo ThS, BS Cao Ngọc Tuấn, trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý chẩn đoán được và có thể điều trị ổn định. Về chẩn đoán, người bệnh có thể được thực hiện test điều trị với thuốc ức chế tiết bơm Proton (PPI), đo pH thực quản 24 giờ, nội soi dạ dày thực quản. Việc người bệnh tự nhận biết các triệu chứng và chủ động mua thuốc uống tại nhà có thể khiến bệnh diễn biến nặng hơn. Vì vậy, người bệnh nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để được kiểm tra chính xác, tránh trường hợp bỏ lỡ thời gian điều trị hiệu quả.
Quá trình điều trị sẽ tùy thuộc vào tình trạng và mức độ của bệnh lý, chủ yếu thông qua điều chỉnh chế độ sinh hoạt, thói quen hằng ngày và sử dụng thuốc cần thiết. Người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản nhẹ được khuyến khích điều chỉnh và áp dụng lối sống lành mạnh như: Bỏ thói quen hút thuốc lá (nếu có), hạn chế đồ ăn dầu mỡ và có tính axit, hạn chế đồ uống có cồn hoặc gas…
Người bệnh nên áp dụng phương pháp chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, không ăn quá no và vận động ngay sau ăn. Đặc biệt, đối với trường hợp người bệnh thuộc nhóm thừa cân, béo phì cần phải giảm cân một cách khoa học.
Hiện, bệnh viện đang phối hợp các phương pháp khác nhau để điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản như: Hướng dẫn điều chỉnh lối sống lối sống kết hợp các loại thuốc ức chế bơm proton, trợ vận động tiêu hóa, thuốc ngăn ngừa và bảo vệ tổn thương thực quản…
Ngoài ra, sự phối hợp với các chuyên khoa liên quan (Dinh dưỡng - Tiết chế, Ngoại Tiêu hóa, Tai mũi họng...) giúp đưa ra phương án điều trị tối ưu nhất cho người bệnh. Phương pháp phẫu thuật không được các chuyên gia khuyến khích bởi bệnh trào ngược dạ dày thực quản liên quan đến nhiều cơ chế khác nhau gây nên. Người bệnh chỉ được chỉ định phẫu thuật khi đã điều trị nội khoa không thành công hoặc xuất hiện các biến chứng nặng hoặc cơ vòng thực quản dưới bị tổn thương.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể xảy ra với bất kì ai. Tuy nhiên, một số đối tượng thuộc nhóm yếu tố nguy cơ là người thừa cân hoặc béo phì; uống nhiều rượu bia, ăn nhiều đồ chua, dầu mỡ, ít vận động, nằm liền sau ăn; người hút thuốc lá; người phải sử dụng thuốc trị hen suyễn, thuốc chẹn kênh canxi, kháng histamine, thuốc an thần, chống trầm cảm, hoặc thuốc giảm đau xương khớp nhóm NSAIDs; cuối cùng là phụ nữ mang thai, đặc biệt trong những 3 tháng cuối thai kỳ.
Những đối tượng có nguy cơ này nên được tầm soát sớm khi có triệu chứng để chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, ThS, BS Cao Ngọc Tuấn khuyến cáo.