Nhà máy sản xuất động cơ máy bay đầu tiên của Việt Nam có gì đặc biệt?
- Tây Y
- 17:47 - 06/10/2018
Công ty Hanwha Techwin là một chi nhánh của Tập đoàn Hanwha, Hàn Quốc. Trong buổi gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa qua, ông Youn Chul Kim, Chủ tịch công ty cho biết nhà máy sản xuất linh kiện, động cơ máy bay do Hanwha đầu tư sẽ được khánh thành trong tháng 11/2018. Đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam liên quan đến công nghiệp động cơ hàng không.
Dự án Hanwha Aero Engines được Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hoà Lạc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 7/7/2017 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 200 triệu USD, tương đương 4.530 tỷ đồng, giải ngân trong 3 năm. Dự án cũng có kế hoạch mở rộng đầu tư lên 260 triệu USD trên tổng diện tích khoảng 96.789 m2, khoảng gấp 9 lần sân bóng thông thường.
Ngày 21/9/2017, nhà đầu tư đã khởi công và triển khai xây dự án. Thời điểm đó, phía Hanwha cho biết đến cuối tháng 4/2018 nhà máy thứ nhất sẽ được hoàn thiện và đưa vào hoạt động. Diện tích xây dựng khoảng 57.000 m2, bao gồm 3 nhà máy lần lượt xây dựng và hoàn thành vào năm 2022. Nhà máy dự kiến sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động.
Sản phẩm làm ra được phía Hanwha cho biết sẽ được cung cấp cho một số nhà sản xuất động cơ máy bay tầm cỡ thế giới như General Electric (GE), Pratt & Whitney (PW) và Rolls-Royce, là các đơn vị mà công ty này đã giành được đơn đặt hàng có quy mô lớn trước đó.
Thông tin từ website tập đoàn Hanwha cho biết Hanwha Techwin đang tìm cách tăng doanh thu từ việc bán linh kiện máy bay dân dụng lên khoảng 1.000 tỷ won, tức khoảng 879 triệu USD và nuôi tham vọng dẫn đầu ngành công nghiệp sản xuất máy bay vào năm 2025.
Để đạt được mục tiêu này, công ty đã tìm cách mở rộng năng lực sản xuất bằng cách thiết lập cơ sở sản xuất ở ở nước ngoài. Sau khi nghiên cứu, Hanwha Techwin đã chọn Việt Nam làm vị trí chiến lược nhằm duy trì khả năng cạnh tranh về chi phí.
Phát ngôn viên của Hanwha Techwin tại thời điểm đó cho biết đây không phải là cách làm mới. Bởi các công ty chế tạo động cơ máy bay như Dynamic Precision, Barns hay Magellan cũng đã và đang mở rộng năng lực sản xuất bằng cách xây dựng các nhà máy sản xuất ở nước ngoài nhằm hỗ trợ cho cơ sở tại quê nhà.
Hanwha Techwin cũng nói rằng nhà máy Changwon tại Hàn Quốc sẽ là cơ sở sản xuất những sản phẩm giá trị gia tăng cao, công nghệ tinh vi và hỗ trợ, cung cấp kỹ thuật cho nhà máy tại Việt Nam.
Việc đầu tư tại Hoà Lạc của Hanwha Techwin năm 2017 được Bộ trưởng Khoa học & Công nghệ Chu Ngọc Anh nhận định là có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam – Hàn Quốc kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Bộ trưởng cho biết nhà máy sẽ là nền tảng, tạo hiệu ứng lan toả giúp Khu công nghệ cao Hoà Lạc có thể thu hút doanh nghiệp công nghệ cao của Hàn Quốc cũng như các quốc gia khác đến đầu tư, kinh doanh. Điều này sẽ góp phần nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của miền Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung.