CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:54

Nhà khoa học nữ không mong muốn được ưu tiên

 

Trong số nhà khoa học trẻ gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm 11/9, có 9 gương mặt nữ đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu. Nhiều người chia sẻ không muốn nhận sự ưu tiên vì là nữ giới.

Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung cho rằng, nhà khoa học nữ cần được nhìn nhận bằng năng lực, thành tích chứ không cần ưu tiên về giới. Ảnh: Giang Huy.

Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung, Trung tâm vệ tinh quốc gia (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) chia sẻ, nhiều người vẫn nghĩ nhà khoa học nữ cần được ưu tiên, nhưng thực ra chị thấy không cần thiết. Điều chị muốn là được đối xử bình đẳng trên tư cách một nhà khoa học để có cảm giác thoải mái khi làm công việc yêu thích.

Chung quan điểm, tiến sĩ Phạm Phương Chi, Viện Văn (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) phân tích, ưu tiên trong nhiều trường hợp là duy trì sự nhược tiểu của người được ưu tiên. Khi làm đề tài, công trình nghiên cứu, chị mong muốn được chịu trách nhiệm dựa trên đánh giá về năng lực, thành tích chứ không phải dựa trên sự ưu tiên về giới.

"Hãy nhìn nhận những nhà khoa học từ công việc họ làm, thành tích họ đạt được với tư cách là nhà nghiên cứu hơn là tập trung vào khía cạnh xem họ là nam hay nữ, từ đâu đến, bao nhiêu tuổi, theo hệ tư tưởng nào, giàu hay nghèo, đẹp hay xấu, họ có truyền thống gia đình như thế nào", chị nói.

Tiến sĩ Chi chia sẻ thêm những thiệt thòi về vật chất và tinh thần mà người làm nghiên cứu khoa học nhân văn đang trải nghiệm. Theo chị, đây là ngành khoa học quan trọng, nhưng Bộ Khoa học ít có công trình nào kêu gọi đấu thầu hoặc tham gia của những người làm nghiên cứu xã hội nhân văn, nhất là ngành văn học. Lương của họ vẫn dựa theo định mức và hệ số của nhà nước, bằng thạc sĩ, tiến sĩ hay nhiều công trình nghiên cứu thì lương vẫn vậy.

"Bản thân tôi thấy làm khoa học thì phải có niềm đam mê vượt lên trên những chờ mong về vật chất. Niềm đam mê ấy rất khó lý giải với những người không cùng chung chí hướng. Nhưng đôi khi tôi cảm thấy lạc lõng và đôi chút hoang mang bởi cơm áo không đùa với khách thơ", chị bày tỏ quan điểm.

Ba nhà khoa học nữ trẻ tại buổi gặp mặt Thủ tướng,. Ảnh: Giang Huy.

Nhiều nhà khoa học nữ chia sẻ, để giữ đam mê, nhiệt huyết với nghề, họ phải nỗ lực gấp nhiều lần so với đồng nghiệp nam. Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, giảng viên Khoa học máy tính, Đại học Điện lực cho biết gần 10 năm nay, mỗi ngày chị chỉ ngủ vài tiếng. Thời gian chị làm luận văn tiến sĩ, một ngón tay bị gẫy nhưng phải dùng cánh tay ấy làm việc ròng rã cả tháng trời.

Khó khăn của thạc sĩ Trương Hải Nhung (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) là làm sao cân bằng giữa công việc và gia đình. Chị nghiên cứu về công nghệ sinh học, công nghệ tế bào gốc nên phải dành nhiều thời gian cho phòng thí nghiệm. Chị bảo may mắn có được người chồng thấu hiểu và san sẻ cùng vợ.

"Khi dự án đến giai đoạn gấp rút, mình liên tục đi sớm về khuya, viết báo cáo. Có lúc ra khỏi nhà con còn chưa thức, về nhà con đã đi ngủ rồi. Những khi đó, chồng lại về sớm nấu cơm, tắm rửa, cho con ăn. Về khuya có khi anh đang ru con trai 3 tuổi ngủ. Nếu không có anh xã thông cảm thì mình còn gặp nhiều vất vả hơn", chị cười nói.

Thạc sĩ trẻ cho rằng, nhà khoa học nữ vẫn chiếm số ít so với nam giới nhưng đó là những phụ nữ mạnh mẽ, luôn muốn được đồng nghiệp, xã hội công nhận năng lực, đóng góp và cả những hy sinh. "Công bằng là mong muốn chung của phụ nữ làm khoa học nói riêng và phụ nữ trên thế giới nói chung. Nhưng để đạt được điều đó thì còn phải phấn đấu nhiều lắm", chị Nhung chia sẻ. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh