Nhà cổ, nhà cũ ở Hà Nội: Dân sống trong sợ hãi
- Y học 360
- 19:09 - 11/08/2016
Nhiều công trình chờ... sập
Trong số hàng trăm ngôi nhà cổ, khu tập thể cũ “quá đát” của Hà Nội nhưng vẫn được sử dụng phải kể đến khu tập thể H36 (Xuân La, Tây Hồ). Được xây dựng từ năm 1983, khu tập thể H36 là nơi sinh sống của hơn 400 nhân khẩu. Trải qua hơn 30 năm tồn tại, khu nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, người dân luôn sống trong tình trạng bất an, lo lắng vì nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Trần, dầm, cột của khu nhà bị bong tróc, trơ lại từng mảng thép hoen rỉ. Các bậc thang lên xuống rêu phủ kín, lan can rung lên bần bật mỗi khi có người qua lại. Ngoài ra dây điện chằng chịt trên trần nhà ẩm ướt.
Chị Hằng (cư dân sống tại khu tập thể) cho biết: “Khu tập thể được xây từ lâu, cũ kĩ, sức chịu đựng kém nên ở đây tôi cảm thấy không an toàn nhưng không có điều kiện nên đành phải chịu. Vào mùa mưa, tường nhà bong tróc nhiều hơn, trần nhà ẩm ướt, nhiều chỗ dột, mùa hè thì nắng nóng như thiêu, như đốt, đúng kiểu “mưa bê chậu hứng nước, nắng ngủ dưới gầm giường”. Ghi nhận một loạt các căn nhà tại khu phố cũ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm: 45 Lò Sũ; 22, 51 Hàng Đào; 20, 22 Hàng Ngang; 59 Lương Ngọc Quyến... tất cả đều trong tình trạng xuống cấp khá nặng. Đây là những ngôi nhà trong diện bảo tồn, tuy nhiên nhìn từ bên ngoài, tất cả đều có những mảng bong tróc lộ ra mảng gạch và xà đỡ nhà.
Những dãy nhà chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng ở Hà Nội.
Bà Nguyễn Minh Hạnh sống ở Lò Sũ lo lắng: “Đa số các ngôi nhà cũ trong phố cổ xây trước năm 80 của thế kỷ trước, nhiều nhà xây trước năm 1954. Đặc điểm chung của những ngôi nhà này móng nông, sâu vài chục cm, tường gạch một... Do nhu cầu cuộc sống, dân số gia tăng trong khi diện tích không tăng nên các gia đình bằng nhiều cách cơi nới, chồng tầng. Điều này khiến cho các ngôi nhà cổ nếu không được sửa chữa, gia cố sẽ đổ sập bất cứ khi nào khi mùa mưa bão đến”.Theo số liệu thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 1.500 nhà biệt thự được phân loại, sắp xếp theo nhóm I, II, III, trong đó có 1.516 khu tập thể cũ, được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1980, phân bố chủ yếu tại 4 quận nội thành cũ. Ngoài ra, Hà Nội có hơn 1.579 chung cư cũ quy mô từ 2 - 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 - 1980, cá biệt có những tòa được xây dựng từ 1954 đã xuống cấp nghiêm trọng cần được cải tạo.
Loay hoay với bài toán cải tạo chung cư cũ
Hiện nay Hà Nội đã hoàn thành xong việc kiểm định 42 công trình của năm 2015 để xác định các nhà nguy hiểm cấp độ D. Đây là các chung cư bị lún, lún lệch ở mức độ lớn hơn 1%, hoặc được xây dựng và sử dụng từ lâu, đã hư hỏng, xuống cấp. Ngoài ra, số chung cư được kiểm định năm 2016 là các công trình đã có các biểu hiện lún nghiêng, về tổng thể đã hư hỏng, xuống cấp, cần phải kiểm định để xác định mức độ hư hỏng để đưa vào kế hoạch cải tạo, xây dựng lại.
Thực tế qua các cuộc khảo sát về chất lượng nhà ở chung cư cũ của Sở Xây dựng (tháng 6/2016) cho thấy, Hà Nội có khoảng 55% diện tích nhà chung cư cũ có chất lượng kém và 45% có chất lượng nhà ở mức trung bình. Kết quả kiểm định các chung cư cũ năm 2015 có 4 công trình chung cư ở mức nguy hiểm cấp độ D, 95 chung cư ở mức C và 101 chung cư ở mức B. Còn đầu năm 2016 có thêm 62 chung cư có biểu hiện lún và xuống cấp nghiêm trọng. Một số khu nhà chung cư cũ đặc biệt nguy hiểm như: Khu P3 Kim Liên; E6, E7 Quỳnh Mai, B6 Giảng Võ, nhà A Giảng Võ... Gần đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã tiến hành kiểm định xong chất lượng 85 chung cư cũ thuộc sở hữu nhà nước trến địa bàn. Hầu hết các chung cư cũ trên địa bàn lại ở trong tình trạng cũ nát, hết niên hạn sử dụng và không được đầu tư, sửa chữa bảo dưỡng định kỳ, một số phần kết cấu đã bị hỏng; cấp thoát nước kém, lượng nước thiếu; hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các khu chung cư cũ hiện nay trong tình trạng quá tải trầm trọng;...
Nhằm giải quyết những vướng mắc về cải tạo chung cư cũ, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 34/2007/NQ-CP về cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ. Tuy nhiên, đến nay sau gần 10 năm thực hiện mới có 14 dự án nhà chung cư cũ nát trên địa bàn được cải tạo, xây mới (chiếm 1% trong tổng số 1.500 nhà chung cư cũ ở Hà Nội cần được cải tạo). Mới đây, UBND TP Hà Nội công bố danh mục 10 dự án kêu gọi nhà đầu tư lập quy hoạch, xây dựng, cải tạo đồng bộ các khu chung cư cũ với số vốn dự kiến lên đến 316.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, để thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực cải tạo chung cư cũ và đẩy nhanh tiến độ cải tạo các chung cư cũ, xuống cấp có hiệu quả hay không là câu chuyện đang nhận được sự quan tâm lớn của người dân, cơ quan quản lý, các nhà quy hoạch, doanh nghiệp.
Là doanh nghiệp trực tiếp thực hiện đảm nhận cải tạo một số chung cư cũ ở Hà Nội hiện nay, Giám đốc Cty CP Tư vấn Handic, ông Trịnh Xuân Quang cho rằng, việc cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội hiện nay chưa đạt được hiệu quả nằm ở một số vấn đề liên quan đến quy hoạch, cơ chế chính sách để huy động nguồn lực còn nhiều vấn đề cần cụ thể hóa bằng các quy định đặc thù của Hà Nội. Đồng thời, làm sao phải cân bằng được lợi ích ba bên: Chính quyền - doanh nghiệp - người dân mới là vấn đề quan trọng.