Nhà chống lũ: An cư lập nghiệp ngay trên nước lũ
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 22:46 - 04/08/2016
Cộng đồng chung tay
Là thành viên đầu tiên của dự án “Nhà chống lũ”, chị Phạm Thị Hương Giang chia sẻ, năm 2010, chị cùng nhóm thiện nguyện của công ty đến cứu trợ người dân vùng bão ở tỉnh Quảng Nam. Trong chuyến đi này, chị đã chứng kiến cảnh người đàn ông ở một ngôi làng nhỏ thẫn thờ trên cái nền nhà vừa bị lũ quét. Hình ảnh ấy cùng các con số thiệt hại được các phương tiện thông tin đại chúng cập nhật đã trở thành nỗi ám ảnh đối với chị trong suốt hành trình cứu trợ. “Phải làm gì để người dân vùng lũ sống chung với lũ được và an cư lạc nghiệp ngay trên con nước lũ, câu hỏi cứ vang trong đầu chị Giang.
Dự án “Nhà chống lũ” tổ chức lễ khánh thành nhà cho hộ dân xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Cuối năm 2013, câu hỏi đã có lời giải khi tình cờ chị nhìn thấy trên facebook hình ảnh một ngôi nhà gỗ ở ngay vùng rốn lũ Hương Sơn (Hà Tĩnh) có tuổi thọ 13 năm nhưng vẫn chắc chắn, an toàn. Ngôi nhà được đặt trên 6 cái trụ bê tông với chi phí chỉ hơn 11 triệu đồng (thời điểm đó) do Tiến sĩ giảng dạy bộ môn kết cấu của Trường Đại học Giao thông vận tải Tống Trần Tùng Thiết kế và xây dựng tặng cho gia đình người hàng xóm với mục đích giúp họ gìn giữ căn nhà gỗ cổ. Thế là ý tưởng xây nhà chống lũ hình thành và một đề án chi tiết được xây dựng. Mục tiêu của dự án là giúp người dân có một ngôi nhà chắc chắn để vừa ổn định sản xuất, sinh hoạt, vừa chủ động phòng ngừa thiên tai. Dự án cũng nhằm thúc đẩy các giá trị thiện nguyện bền vững, hướng đến giúp đỡ cộng đồng có cơ sở vật chất ổn định và kiến thức vững chãi để phòng ngừa và ứng phó với thiên tai.
Nguồn quỹ của dự án nhà chống lũ được đóng góp bởi cộng đồng theo hình thức “crowd funding”, thông qua việc tổ chức sự kiện gây quỹ, tổ chức hoạt động “Kết nối Nghệ thuật - Hỗ trợ cộng đồng” (bán các tác phẩm hội họa của các họa sỹ đóng góp cho dự án); tiếp nhận ủng hộ trực tiếp từ những người thiện nguyện… Tính đến nay, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện dự án “Nhà chống lũ” đã hoàn thành hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 263 hộ dân tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam…
Cùng nhau xây tổ ấm
Khác với các chương trình khác, dự án “Nhà chống lũ” không thực hiện theo kiểu chìa khóa trao tay mà triển khai theo mô hình 4 bên: Nhà từ thiện, nhà thầu, người hưởng lợi và chính quyền địa phương. Nhà từ thiện sẽ tìm cách gây quỹ và quản lý quỹ; lên kế hoạch khảo sát, đánh giá địa bàn cần hỗ trợ; cùng đối tác địa phương tổ chức họp cộng đồng để lựa chọn, bình bầu hộ gia đình nhận hỗ trợ… Tiêu chí chọn hộ để hỗ trợ là những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đông nhân khẩu và nhà nằm ở vùng thường xuyên bị ngập lụt nặng. Người hưởng lợi sẽ cùng các kiến trúc sư tham gia thiết kế căn nhà theo nhu cầu sử dụng; đóng góp 50% kinh phí được quy đổi bằng vật liệu, nhân công… Nhà thầu thi công không tính lãi. Chính quyền địa phương sẽ tham gia giám sát.
Đối với nhà gạch 2 tầng, chỉ áp dụng ở nơi bị lũ dâng, lũ ngâm và mực nước lũ lịch sử dưới 2,5m. Những ngôi nhà này sẽ được xây kiên cố phần móng, cao từ 2,8 - 3m để chống chọi được với lũ dâng. Giá trị ngôi nhà khoảng 50 triệu đồng, trong đó dự án hỗ trợ 50%, phần còn lại người dân đóng góp bằng công sức, tiền của và vật liệu.
Riêng mô hình nhà phao chống lũ sẽ được áp dụng ở những nơi thường bị lũ dâng với mực nước cao trên 3m. Những căn nhà này được thiết kế 6 trụ bê tông có móc nối dây. Dưới sàn là các thùy phuy (tùy cân nặng của từng căn nhà mà sử dụng số lượng thùy phuy tương ứng). Khung được thiết kế vuông góc với sàn, có vách bằng gỗ được nẹp bằng thanh nẹp chuyên dụng nhằm giảm tối đa sức phá của gió và mái được nẹp tôn. Giá trị ngôi nhà khoảng từ 15 - 20 triệu đồng, trong đó dự án hỗ trợ khoảng 10 - 12 triệu đồng. Mục tiêu trong năm 2016, dự án “Nhà chống lũ” sẽ xây thêm 200 căn nhà nâng tổng số hộ được hỗ trợ nhà ở của dự án là 463 hộ.