CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:15

Nguyên Phó Chánh văn phòng Trung ương trao bằng khen cho Liên Kết Việt có phạm luật?

Liên quan đến việc ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, nguyên Phó Chánh văn phòng Trung ương trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Công ty Liên Kết Việt (thuộc Công ty CP Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP) gây xôn xao dư luận, chiều 5/3 phóng viên VTC News đã phỏng vấn Luật sư Phạm Công Út (Công ty Luật Phạm Nguyên, TP.HCM) để làm rõ hơn vấn đề này. 

Theo luật sư Phạm Công Út việc ông Quyền tự tay trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Công ty Liên Kết Việt là không đúng theo quy định pháp luật.

- Ông nhìn nhận thế nào về việc ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, nguyên Phó Chánh văn phòng Trung ương trao "bằng khen của Thủ tướng Chính phủ" cho Công ty Liên Kết Việt?
Xét về góc độ pháp lý, chúng ta phải đưa ra nguyên tắc suy đoán vô tội chứ không thể đưa ra suy đoán có tội. Ví dụ ông Quyền là một mắt xích trong đường dây lừa đảo Liên Kết Việt đang bị cơ quan CSĐT Bộ Công an điều tra, thụ lý thì ta phải chứng minh về mặt chủ quan là cố ý, ông Quyền có nhằm mục đích vụ lợi, những vấn đề này phải chứng minh được chứ không nên suy diễn. 
Còn theo những gì ông Quyền trả lời trên VTC News thì có người mời ông Quyền đến dự Hội nghị và bất ngờ ông được mời lên trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, ông cũng không biết bằng khen là thật hay giả.
Hình ảnh ông Nguyễn Văn Quyền trao bằng khen cho Công ty Liên Kết Việt thuộc Công ty CP Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP.. Ảnh cắt từ clip 
Tại thời điểm ấy, có thể ông Quyền là một khách mời mang tính danh dự, ông là Chủ tịch Hội Luật Gia của một quốc gia nên người ta cố tình lợi dụng hình ảnh của ông. Vì lý do nào đó mà có khả năng ông này không biết được, cái này ta đang xét theo nguyên tắc suy đoán vô tội.
Việc thừa quyền trao tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Công ty Liên Kết Việt cũng là điều vinh dự với ông Quyền. Vì trong hội nghị có đông đảo quan khách tham dự nhưng ông Quyền lại là người được chọn làm việc đó, nghĩa là ông Quyền được nhiều người trọng thị.
Tuy nhiên, sau khi vụ việc lừa đảo bị phanh phui, dư luận được quyền "ném đá" câu nói của vị Chủ tịch Hội Luật gia "tôi cầm bằng khen trao mà không biết cái này là thật hay giả". 

Dư luận có thể nhận định "ông không phải là trẻ con, ông là người hiểu luật, tầm cỡ quốc gia, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, nguyên Phó Chánh văn phòng Trung ương chứ không phải là con nít để dễ bị lừa, để rồi ai bảo sao ông làm vậy"...
- Vậy việc ông Quyền tự tay trao "bằng khen của Thủ tướng Chính phủ" cho công ty Liên Kết Việt có đúng luật không, thưa ông?
Nguyên tắc chung của quy trình trao tặng bằng khen là nơi nào phát hành thì nơi đó trao tặng. Chẳng hạn Chính phủ muốn trao tặng bằng khen cho một cá nhân, tổ chức nào đó thì phải là người thuộc Chính phủ, Văn phòng Chính phủ trao tặng. 

Nếu Thủ tướng không trực tiếp trao tặng thì những người trong Văn phòng Thủ tướng được ủy quyền, đại diện để trao tặng, chứ không thể nào bằng khen được gửi qua đường bưu điện rồi tự anh xử lý.
Bằng khen không chỉ là một văn bản mà nó còn mang ý nghĩa, giá trị tinh thần, ở đây là Bằng khen của Thủ tướng, không thể gửi qua đường bưu điện hay gửi bằng con đường khác không chính thống. Vì vậy, việc ông Quyền tự tay trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Công ty Liên Kết Việt là không đúng theo quy định pháp luật.
Dư luận có quyền nghi ngờ việc ông Quyền trao tặng bằng khen của Thủ tướng nhằm làm "đậm" hình ảnh tổ chức kinh tế Công ty Liên Kết Việt, để rồi Liên Kết Việt lấy hình ảnh đó đi "mị dân", lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Vấn đề này cũng cần chứng minh làm rõ.
Nếu tự Công ty Bộ quốc phòng (BQP) phát hành bằng khen, giấy khen thì tự họ mời bất cứ ai hay khách mời danh dự trao tặng cho cá nhân hay tổ chức nào cũng được. 
- Như vậy, khi Liên Kết Việt bị vỡ lở vì thủ đoạn lừa đảo, ông Quyền có phải làm việc với cơ quan chức năng?
Điều này là chắc chắn, cơ quan chức năng mời ông Quyền làm việc bước đầu không phải để khởi tố, truy tố, xét xử mà mời làm việc để làm rõ hành vi của ông có đồng phạm với các cá nhân đã bị bắt trong vụ án hay không? 
Nếu không có gì thì trong quá trình tố tụng, ông Quyền là nhân chứng, là cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.
- Còn việc xác minh bằng khen giả hay thật có giá trị thế nào?
Bằng khen cần làm rõ giả hay thật để từ đó cơ quan chức năng có căn cứ pháp lý xử lý vụ việc. Bằng khen bao gồm con dấu, chữ ký, biểu mẫu...
Nếu bằng khen thật thì ai là người phát hành? Công ty Liên Kết Việt có xứng đáng được tặng bằng khen hay không? Hay có thể có sự nhầm lẫn nào đó?

Bằng khen đóng dấu chữ ký, nhưng Quyết định Bằng khen thì chữ ký sống. Cần xem xét lại bộ phận tham mưu, bộ phận đề xuất, bình bầu bởi quy trình ra Quyết định tặng Bằng khen cho cá nhân, tổ chức ở cấp Chính phủ được xét khá nghiêm ngặt.
Nếu qua xác minh, giám định con dấu, chữ ký phát hiện là bằng khen giả, lúc đó truy ra ai là người làm giả, ai là kẻ tiếp tay làm giả... Tiếp theo, từ những cái "đánh bóng thương hiệu" đó, người ta bắt đầu hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, có ý thức chủ quan vụ lợi, chiếm đoạt tài sản cũng cần phải xem xét rõ.
- Hiện đang có nghi vấn, không ít cán bộ quân đội liên quan đến Liên Kết Việt, như vậy cách xử lý thế nào?
Dù tướng tá quân đội đương chức hay đã về hưu, đa phần ai cũng có mong muốn được làm kinh tế. Có khả năng, những người lãnh đạo công ty Liên Kết Việt đã cho họ hưởng một khoản lợi lớn và từ đó họ chủ quan. 

Cũng có khả năng những vị tướng tá không biết việc làm của công ty Liên Kết Việt là lừa đảo mà chỉ nghĩ là làm ăn phát triển kinh tế thôi, thu nhập cao nên tham gia vào.
Nếu họ cùng tham gia điều hành, chủ trương như kẻ chủ mưu thì cơ quan điều tra quân đội sẽ làm việc riêng đối với những cá nhân liên quan. Quân nhân có quân pháp riêng của họ. Quân đội họ tự điều tra khởi tố, loại ngũ nếu đang đương chức; nếu về hưu, hoặc đã bị loại ngũ thì thuộc về dân sự, thẩm quyền thuộc Cơ quan CSĐT Công an.
- Vụ án công ty Liên Kết Việt đang được Cơ quan CSĐT Bộ Công an điều tra, như vậy bị hại có cần nộp đơn tố cáo đến cơ quan chức năng không, thưa ông?
Tội lừa đảo không cần thiết khởi tố vụ án theo yêu cầu người bị hại. Một khi đã xảy ra hành vi lừa đảo và có thiệt hại xảy ra là người ta khởi tố. 
Nhưng cơ quan chức năng cần xác định bị hại để tính toán mức độ thiệt hại, hậu quả là bao nhiêu để định khung hình phạt.
Người bị hại nên gửi đơn tố cáo kèm hồ sơ giấy tờ, chứng cứ liên quan đến cơ quan chức năng để khai báo, được pháp luật bảo hộ, buộc người lừa đảo trả lại tài sản đã bị lừa lấy mất. 
Xin cảm ơn ông!

Phan Cường/ VTC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh