Nguyên nhân phổ biến làm suy giảm trí nhớ của bạn
- Y học 360
- 05:04 - 05/07/2020
Khi gặp vấn đề về khả năng ghi nhớ, không ít người lo sợ bản thân họ bị mất trí nhớ hoặc đang phải đối mặt với bệnh Alzheimer. Trên thực tế, hay quên không phải lúc nào cũng liên quan tới vấn đề sức khỏe này. Hiện nay có rất nhiều lý do khiến “bộ nhớ” của bạn bị ảnh hưởng.
Tác dụng phụ của thuốc
Lauren Drag, tiến sĩ kiêm bác sĩ phẫu thuật thần kinh tại Viện sức khỏe Stanford lưu ý, một số loại thuốc kê theo toa và không kê đơn có thể gây rối loạn trí nhớ. Đứng đầu danh sách là thuốc kháng cholinergic có khả năng tác động tới chất dẫn truyền thần kinh trong não acetylcholine.
Thuốc kháng histamin như Benadryl, thuốc trị bệnh trào ngược axit dạ dày như Zantac, thuốc điều trị co thắt cơ như Flexeril và thuốc trầm cảm như Paxil, Elavil đều được coi là thuốc kháng cholinergic.
Mọi người cũng cần lưu ý các loại thuốc khác bao gồm một số thuốc trị huyết áp, thuốc an thần và thuốc giảm đau. Nếu bạn nghi ngờ hiện tượng hay quên bắt nguồn từ tác dụng phụ của thuốc, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để thay thế loại thuốc khác phù hợp hơn.
Trầm cảm
Khi tâm trạng xuống dốc, bạn chắc chắn sẽ khó thể tập trung vào công việc hơn, từ đó ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng ghi nhớ. Trầm cảm tác động mạnh mẽ tới bộ não của chúng ta. Một số nghiên cứu cho thấy, tình trạng này liên quan đến những thay đổi về kích thước và chức năng của các vùng não, nơi tiến hành ghi nhớ, xử lý và giải quyết vấn đề.
Làm dụng rượu bia
Những loại đồ uống có cồn như rượu có thể làm rối loạn tâm trí, khiến người uống quên đi những chuyện đã xảy ra. Hiện tượng này có thể kéo dài đến vài tuần hoặc vài tháng, tùy thuộc vào lượng rượu và tần suất uống. Trên thực tế, những người lạm dụng đồ uống có cồn thường khó tập trung, ít nhạy bén và hay quên hơn người khác.
Stress
Stress làm bộ não mất tập trung khi ghi nhớ thông tin. Nói cách khác, theo bác sĩ Drag, người bị lo âu căng thẳng sẽ khó theo kịp những gì đang diễn ra vì tâm trí họ luôn hướng về một vấn đề khác. Ngoài ra, những thói quen hàng ngày như thức khuya, lười vận động và ăn uống kém lành mạnh cũng ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng ghi nhớ của bạn.
Một số vấn đề sức khỏe mãn tính
Mọi vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển máu lên não như bệnh tiểu đường, huyết áp cao hoặc cholesterol cao đều có thể làm suy giảm trí nhớ. Ngoài ra, suy giáp, thiếu vitamin và mất cân bằng hormone cũng góp phần dẫn tới tình trạng này.
Theo bác sĩ Drag, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây ra hiện tượng hay quên ở người cao tuổi. Do đó, khi nhận thấy dấu hiệu bất thường, mọi người nên đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và phương pháp điều trị phù hợp.
Kiệt sức
Một số nghiên cứu cho thấy, những người ngủ không sâu dễ gặp phải nhiều vấn đề về trí nhớ. Tất cả những gì bạn cần làm để giúp cơ thể nghỉ ngơi là có một giấc ngủ ngắn, thậm chí chỉ trong vòng 6 phút.
Hãy lưu ý nếu bạn cảm thấy mệt mỏi bất thường mặc dù đã ngủ trưa. Hiện tượng ngưng thở khi ngủ có thể làm mất oxy trong não, ảnh hưởng tới quá trình vận chuyển máu tới khu vực này. Theo thời gian, chúng sẽ tác động tiêu cực đến trí nhớ và khả năng tư duy của bạn.
Lão hóa
Khi cơ thể già đi, não bộ cũng sẽ chịu ảnh hưởng, hao mòn giống như làn da bị nhăn nheo vì lão hóa. Bệnh Alzheimer thường xuất hiện ở những người trên 65 tuổi. Đừng hoảng sợ nếu bạn cảm thấy bản thân phải vật lộn để học các kỹ năng mới. Đây là tình trạng không thể tránh khỏi ở người cao tuổi. Áp dụng lối sống lành mạnh như tập luyện thường xuyên, lựa chọn thực phẩm phù hợp có thể giúp bạn hạn chế ảnh hưởng của lão hóa.
Nếu tình trạng hay quên bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn, hãy đi kiểm tra. Thường xuyên bị lạc khi lái xe, đặc biệt ở những địa điểm quen thuộc là dấu hiệu đáng lưu ý.