Nguy cơ làn sóng COVID-19 quay trở lại châu Âu
- Tây Y
- 11:09 - 08/10/2022
Bnews - Trang thông tin kinh tế của Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 5/10 vừa qua, số ca nhiễm mới ở Liên minh châu Âu (EU) trong tuần trước là 1,5 triệu ca, tăng 8% so với tuần trước đó dù số lượt xét nghiệm giảm mạnh.
Số ca nhập viện ở nhiều nước EU cũng như ở Anh cũng tăng lên trong những tuần gần đây.
Theo số liệu của tổ chức nghiên cứu Gimbe, trong tuần kết thúc ngày 4/10, tại Italy, số ca nhập viện vì COVID-19 có triệu chứng đã tăng gần 32%, trong khi số ca nguy kịch tăng khoảng 21% so với tuần trước đó. Trong cùng thời gian này, số ca nhập viện tại Anh cũng tăng 45% so với tuần trước đó.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết, số liều vaccine được tiêm chủng hằng tuần trong tháng 9 vừa qua tại EU chỉ từ 1 triệu đến 1,4 triệu liều, ít hơn rất nhiều so với khoảng từ 6-10 triệu liều/tuần ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái, ngay cả khi EU đầu tháng trước đã cấp phép cho 2 loại vaccine tăng cường ngừa COVID-19 được điều chỉnh để chống lại các dòng phụ của biến thể Omicron là BA.1, BA.4 và BA.5. Hiện Anh cũng mới chỉ cấp phép cho loại vaccine tăng cường ngừa dòng phụ BA.1.
Một chuyên gia về dược phẩm của Anh cho rằng, nguyên nhân khiến tốc độ tiêm chủng giảm có thể là do người dân hiểu nhầm về việc đã tiêm liều cơ bản và sau đó mắc COVID-19 là miễn dịch nên không tiếp tục đi tiêm liều tăng cường.
Ngoài ra, việc giới chức EU và Anh phê duyệt các loại vaccine tăng cường mới nói trên chỉ cho những nhóm người nhất định có thể khiến người dân khó lựa chọn loại vaccine làm liều tăng cường.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, thách thức lớn nhất đối với việc tiêm chủng là việc nhiều người dân cho rằng đại dịch đã kết thúc.
Báo Đại Đoàn Kết đưa tin, ông Martin McKee - Giáo sư y tế công cộng tại Trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London, cho biết: “Giờ đây, không còn nhiều người quan tâm đến nguy cơ mắc bệnh khi cho rằng đại dịch đã kết thúc. Cùng với đó, việc thiếu các chiến dịch tuyên truyền lớn từ chính phủ cũng có khả năng làm giảm mong muốn tiếp nhận liều tăng cường”.
Tuy nhiên, có lẽ thách thức lớn nhất để người dân tiếp tục tiếp nhận vaccine chính là nhận thức đại dịch đã kết thúc, từ đó tạo ra một cảm giác an toàn sai lầm. Bà Penny Ward - Giáo sư thỉnh giảng về y dược tại Đại học King’s College London, cho biết: “Có một tỷ lệ khá cao người mắc Covid-19 trong những tháng gần đây do nhận thức sai lầm rằng, việc hoàn thành các đợt tiêm chính và sau đó lại mắc Covid-19 sẽ tạo khả năng miễn dịch lâu dài”.
Ông Adam Finn - Chủ tịch nhóm Chuyên gia Tư vấn kỹ thuật về tiêm chủng tại châu Âu của WHO (ETAGE), cho hay: “Đã xuất hiện sự chủ quan trong cuộc sống “bình thường mới”. Bên cạnh đó, mọi người hiện có những lo lắng khác liên quan đến tài chính và xung đột”.
Theo nhận định của ông Piotr Kramarz - Trưởng bộ phận phòng dịch tại ECDC, một số biến thể phụ của Omicron như BA.4, BA.5 mang đặc tính “thoát miễn dịch”, đồng nghĩa với việc kháng thể có được từ việc tiêm vaccine hay nhiễm Covid-19 đều không mang lại khả năng bảo vệ tốt. Điều này khiến chúng trở thành những biến thể nổi trội và đáng quan ngại.
Sức tấn công tiềm tàng của BA.5 thể hiện rõ nhất tại Bồ Đào Nha, nơi ghi nhận làn sóng gia tăng mạnh các ca nhập viện trong một tháng qua, với cấp độ gần tương đương trong làn sóng Omicron đầu tiên hồi tháng 1 vừa qua. Sau khi ca nhiễm BA.5 đầu tiên được phát hiện vào tháng 3, biến thể phụ này đã nhanh chóng lây lan và trở thành biến thể chủ đạo.
Giới chuyên gia y tế đang nỗ lực tìm ra câu trả lời đâu là nguyên nhân chính xác dẫn tới gia tăng các ca nhập viện vì Covid-19. “Rất khó để phân biệt rạch ròi, liệu đó là do biến thể phụ của Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn, hay là do hiệu quả miễn dịch của vaccine suy giảm theo thời gian”, ông Antoine Flahault - Giám đốc Viện Sức khỏe toàn cầu thuộc Đại học Geneva (Thụy Sĩ) nêu quan điểm.
Đáng chú ý, mặc dù quan ngại về khả năng suy giảm miễn dịch trước các biến thể phụ của Omicron, nhưng chính phủ các nước châu Âu dường như không tính đến giải pháp khôi phục lại các quy định hạn chế như trước. Bồ Đào Nha không có kế hoạch áp dụng trở lại hoặc tăng cường biện pháp mới về giãn cách, hạn chế đi lại. Tại Đức, Bộ trưởng Tư pháp Marco Buschmann từ chối thông qua quy định hạn chế mới cho đến khi nhà chức trách có được bản đánh giá đầy đủ về tác động của phong tỏa, giãn cách trong các làn sóng lây nhiễm trước đó.