CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:48

Nguy cơ khuyến khích sự trọng nam, khinh nữ trong xã hội

 

 

Thưa ông, Điều 25 Dự thảo luật Dân số có quy định Nhà nước hỗ trợ các cặp vợ chồng già có con gái và không có BHXH. Vậy, Điều này có trái với quy định pháp luật hiện hành không?

Quy định “Ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội” như tại Khoản 4, Điều 25 của Dự thảo là không phù hợp với luật Người cao tuổi, Luật Bình đẳng giới và công ước CEDAW.

Cụ thể: Khoản 2, Điều 10 Luật Người cao tuổi, quy định: Người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng người cao tuổi là con, cháu của người cao tuổi và những người khác có nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhângia đình(không có phân biệt con trai hay con gái).

Điều 5 của Công ước CEDAW về trách nhiệm của các quốc gia thành viên Công ước, phải: “áp dụng mọi biện pháp thích hợp nhằm sửa đổi khuôn mẫu văn hoá, xã hội về hành vi của nam giới và nữ giới nhằm đạt được việc loại trừ các thành kiến và những phong tục tập quán dựa trên tư tưởng cho giới này là hơn, cho giới kia là kém, hoặc dựa trên những kiểu mẫu rập khuôn về vai trò của đàn ông và đàn bà”.

Mặt khác, theo công ước CEDAW, các biệp pháp đặc biệt tạm thời chỉ nên đưa ra trong một giai đoạn nhất định. Vì vậy nếu người soạn luật đưa ra những quy định mang tính chất “tình thế, tạm thời” thì hoàn toàn không hợp lý.

Thêm nữa, Luật Bình đẳng giới năm 2011 đã quy định cụ thể: Nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, không bị phân biệt đối xử về giới tính, đảm bảo bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội...

Như vậy, người chỉ có con gái hay con trai cũng đều phải được bình đẳng như nhau.

Theo ông, nếu quy định này đi vào hiện thực liệu có có gây ra sự bất bình đẳng trong đối xử giữa con trai và con gái? Đặc biệt, quan niệm việc nuôi dạy con cái để có sự báo hiếu sau này liệu có phụ thuộc vào việc sinh con trai hay con gái?

Tôi cho rằng quy định này nếu được thông qua và đi vào thực hiện sẽ càng khuyến khích thêm tư tưởng trọng nam, coi thường phụ nữ.

Đồng thời, quy định càng khoét sâu thêm sự mất cân bằng giới, thậm chí có thể gia đình sinh toàn con trai sẽ thấy bất bình vì bị phân biệt về chế độ chính sách.

Gia đình sinh con gái cũng chưa chắc đã mong muốn có hỗ trợ như vậy. Quy định này sẽ càng tăng thêm áp lực trong nuôi dạy con cái. Theo đó, con trai sẽ phải là trụ cột, sẽ phải có trách nhiệm báo hiếu tra mẹ; hạ thấp giá trị của con gái.

Nhìn nhận quy định ở góc độ tích cực, có thể xem đây là một nỗ lực để nhằm cân bằng giới tính. Tuy nhiên việc quy định chưa rõ có thể gây ra những hệ lụy không lường. Vậy theo ông, để tạo sự cân bằng giới tính, bình đẳng về giới trong gia đình, quy định cần sửa ra sao?

Quả thực đây là câu hỏi khó. Mong muốn của chúng ta là tìm ra những biện pháp “mạnh tay” để giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên khi đưa ra những chính sách cụ thể thì cần phải được nghiên cứu, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng.

Tôi đã cùng Tổng cục Dân số đi nghiên cứu vấn đề này tại Hàn Quốc. Điều chúng tôi rút ra được sau chuyến đi là để giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh thì cần đẩy mạnh việc tuyên truyền và thực thi bình đẳng giới.

Sau chuyến công tác đó, chúng tôi đã tham mưu và Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế đã ký kết một chương trình phối hợp “Thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế giai đoạn 2015 - 2020”.

Hiện nay, nhiều địa phương cũng đã tích cực triển khai chương trình này và mang lại hiệu quả nhất định. Năm 2015 Chương trình quốc gia về bình đẳng giới cũng đã hỗ trợ kinh phí để Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức các hội thảo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số về việc thực hiện bình đẳng giới góp phần thực hiện tốt công tác dân số và giảm tỷ số giới tính khi sinh.

Vì vậy tôi cho rằng để góp phần thực hiện giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh thì rất cần đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác truyền thông về bình đẳng giới nói riêng và thực hiện Luật Bình đẳng giới nói chung một cách nghiêm túc, thực chất và bài bản.

 

“Chúng ta đều biết, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, đó là: Sự tồn tại dai dẳng của định kiến giới hay tư tưởng trọng nam coi thường nữ, của tệ phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái ở một bộ phận nhân dân. Nhiều gia đình muốn có bằng được con trai để “nối dõi tông đường” nên đã dùng nhiều biện pháp để lựa chọn giới tính khi sinh” - ông Phạm Ngọc Tiến cho biết.


Điều 25. Biện pháp bảo đảm bảo về cân bằng giới tính khi sinh (trích Dự thảo Luật Dân số)

1. Tuyên truyền, giáo dục, tư vấn bảo đảm cân bằng giới tính khi sinh.

2. Ngăn chặn, phát hiện, xử lý hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, phân biệt giới tính.

3. Xây dựng, tổ chức thực hiện chuẩn mực xã hội về văn hóa thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường; về kỹ năng sống trong hôn nhân, duy trì nòi giống, bảo vệ giá trị của con trai, con gái trên cơ sở bình đẳng nam, nữ.

4. Ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội. Chính phủ quy định đối tượng, mức hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh