THỨ NĂM, NGÀY 14 THÁNG 11 NĂM 2024 10:52

Nguồn thuốc ARV: Bài toán chưa có lời giải

 

95% kinh phí mua thuốc ARV do quốc tế tài trợ

Thuốc ARV áp dụng điều trị rộng rãi tại Việt Nam từ năm 2004. Từ nhưng năm 90 của thế kỷ trước, WHO đã khuyến cáo sử dụng ARV trong điều trị HIV/AIDS và được đánh giá là giải pháp hiệu quả bảo vệ sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS, giúp kiểm soát sự bùng phát của dịch.

Trong thời gian qua, khoảng 95% kinh phí mua thuốc ARV do các tổ chức quốc tế tài trợ. Năm 2010, Việt Nam cần 190 tỷ đồng để mua thuốc, trong đó chỉ có 6,2% là kinh phí trong nước; năm 2011 là hơn 280 tỷ đồng thì cũng chỉ có 5,3% kinh phí trong nước; năm 2012 là hơn 300 tỷ đồng với 7,3%; năm 2013 là hơn 350 tỷ đồng với 6,3%; năm 2014 là gần 400 tỷ đồng, có 4,4% kinh phí trong nước.

Bắt đầu từ tháng 3/2016, các tổ chức quốc tế xác định lộ trình cắt giảm tài trợ thuốc ARV cho Việt Nam và sẽ chấm dứt hoàn toàn vào năm 2017. Với những thông báo về lộ trình cắt giảm viện trợ của hai nhà tài trợ lớn là Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS và Chương trình cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR), thì trong năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã tăng nguồn mua thuốc ARV lên 85 tỷ đồng. Tuy nhiên, lộ trình tăng ngân sách trong nước và cách thức chi trả phí điều trị ARV như thế nào để lấp khoảng trống khổng lồ của các nhà tài trợ là bài toán tại thời điểm này chưa có lời giải.

Hiện thuốc ARV đang được cấp miễn phí cho bệnh nhân nhiễm HIV.

 

Thiếu thuốc ARV, nguy cơ bùng phát dịch HIV

Nếu việc điều trị bằng ARV bị gián đoạn, sẽ gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng. Người nhiễm HIV/AIDS nếu không có thuốc ARV để uống sẽ tăng khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và tử vong; nếu không được uống thường xuyên và liên tục sẽ gây nguy cơ HIV kháng thuốc, khi đó nếu phải điều trị bằng các loại thuốc theo các phác đồ kháng thuốc, chi phí có thể đắt gấp 5-10 lần các thuốc hiện hành.

Mặt khác, việc gia tăng số người nhiễm HIV và nhiễm các bệnh nhiễm trùng cơ hội sẽ dẫn đến tăng chi phí y tế, chi phí an sinh xã hội mà cá nhân người nhiễm HIV hoặc Chính phủ phải chi trả. Như vậy, có thể thấy rằng điều trị HIV/AIDS không giống điều trị các bệnh khác: Việc điều trị phải được đảm bảo liên tục, ổn định, lâu dài suốt đời, tuân thủ nghiêm ngặt việc uống thuốc và thăm khám mới có hiệu quả. Ngay từ bây giờ nếu các cơ quan chức năng không có các giải pháp hữu hiệu để bù đắp sự thiếu hụt về thuốc ARV thì người nhiễm HIV sẽ không thể được điều trị, hoặc không được điều trị liên tục, suốt đời. Nguy cơ bùng phát dịch HIV kháng thuốc ở Việt Nam là một viễn cảnh có thể nhìn thấy trước.

Bài toán đặt ra đối với Chính phủ là làm thế nào để  nhanh chóng có phương án đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho thuốc ARV, bởi việc bệnh nhân HIV tự chi trả cho thuốc là khó khả thi vì hầu hết người nhiễm HIV là những người nghèo không có khả năng tự chi trả cho việc điều trị liên tục và suốt đời. Chi phí thuốc ARV điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam hiện nay là khoảng 10.000 đồng/ngày/bệnh nhân. Như vậy, ước tính trước mắt cần 400 tỷ đồng mua thuốc ARV để đảm bảo điều trị liên tục cho 100.000 bệnh nhân trong vòng một năm.

Giải pháp trước mắt hiện nay đang được Chính phủ áp dụng là tăng ngân sách nhà nước chi trả thuốc ARV để kịp thời bù đắp khoản thiếu hụt kinh phí do tài trợ quốc tế rút đi. Bảo hiểm y tế là giải pháp lâu dài, tuy vậy trong tương lai gần, giải pháp này cũng khó khả thi bởi tỷ lệ người nhiễm HIV hiện có bảo hiểm y tế rất thấp. Để BHYT phát huy hiệu quả trong việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, cần có những thay đổi phù hợp về cơ chế cho phép các cơ sở y tế khám chữa HIV tham gia hệ thống bảo hiểm; đồng thời khuyến khích người nhiễm HIV/AIDS yên tâm tham gia đăng ký bảo hiểm.  

Từ năm 2005, Việt Nam bắt đầu mở rộng việc sử dụng thuốc ARV để điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS. Hiện có gần 100.000 người nhiễm HIV/AIDS đang được điều trị ARV, trong đó có gần 5000 trẻ em.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến thời điểm hiện tại, trên toàn quốc có 312 phòng khám ngoại trú và 526 điểm cấp phát thuốc ARV tại xã, phường. Chương trình điều trị cũng đã được triển khai tại 23 trại giam và 33 trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội (Trung tâm 06).

THÁI AN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh