THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:12

Người xem youtube sắp thoát những quảng cáo sai sự thật

Mới đây, Bộ Công thương đã trình Chính phủ xem xét thông qua Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, xử lý triệt để tình trạng đưa thông tin sai lệch trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Trong đó, Bộ đề nghị bổ sung quy định đối với trường hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo bán hàng đa cấp theo hình thức trực tuyến, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải thông báo đến Sở Công thương địa phương hoặc nơi doanh nghiệp có trụ sở chính.

Thêm vào đó, Bộ đề nghị bổ sung quy định cấm doanh nghiệp và người bán hàng đa cấp trong việc cung cấp các thông tin về hàng hóa trong bán hàng đa cấp, đặc biệt đối với sản phẩm là thực phẩm theo hình thức "cung cấp thông tin" về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín, bài viết của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế; thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh.

Các doanh nghiệp và cá nhân cũng không được cung cấp thông tin về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh. Trong trường hợp vi phạm, ngoài việc bị xử phạt hành chính, doanh nghiệp bán hàng đa cấp còn bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Theo Bộ Công thương, trong thời gian qua, vấn nạn đưa thông tin theo hướng "thổi phồng" công dụng sản phẩm, đặc biệt đối với loại sản phẩm là thực phẩm trong hoạt động bán hàng đa cấp diễn ra khá phổ biến.

"Các tổ chức, cá nhân này thành lập các nhóm kín trực tuyến như "tư vấn sức khỏe", "chăm sóc sức khỏe chủ động" hay "nhân chứng dùng sản phẩm" tập hợp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người tham gia.

Trong đó, các đối tượng này chia sẻ, trao đổi những thông tin, video clip có sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để mô tả, tư vấn và hướng dẫn sử dụng các thực phẩm, hoặc mô tả công dụng thực phẩm như là một "kinh nghiệm thực tế" hay "nhân chứng sống" của người đã từng bị bệnh.

Cách thức đưa thông tin này được lạm dụng và củng cố bởi các bình luận phía dưới, càng tạo thêm niềm tin cho người bệnh, người tiêu dùng dễ hiểu theo hướng là các loại sản phẩm này có công dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều trị bệnh.

Hành vi dạng này sẽ gây tác động tới số lượng người tham gia lớn vì thông tin làn truyền trên môi trường mạng diễn ra rất nhanh và gây hậu quả nghiêm trọng bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người", Bộ Công thương cho hay.

Nếu đề xuất này được thông qua, người dùng có thể không còn bị ám ảnh bởi những video quảng cáo với hình ảnh các nhân vật tự xưng là thầy thuốc "3 đời chữa xương khớp, thận,..." tràn lan trên YouTube, Facebook...

PV (T/H)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh