Người thuê nhà sắp được mua điện theo “giá Nhà nước”
- Tây Y
- 02:30 - 25/10/2018
Đây được xem là chính sách phù hợp với tình hình thực tế, nhằm giúp những người ở nhà thuê giảm đáng kể chi phí tiền điện sinh hoạt. Được biết, hiện ở TP.HCM, giá điện trung bình mà các chủ nhà trọ thu của người ở thuê vào khoảng 3.500 – 4.500 đồng/kWh, ở Hà Nội là 4.000 – 5.000đồng/kWh; nhiều nơi khác cũng phổ biến từ 3.000 – 3.500 đồng/kWh. Đây là mức giá cao gấp 2-3 lần so với mức giá Nhà nước quy định.
Chính vì thế, tiền điện của hầu hết các gia đình ở nhà thuê – chủ yếu là người lao động nghèo, mặc dù đã hết sức cố gắng tiết giảm sử dụng điện, vẫn chiếm một phần đáng kể tổng thu nhập của họ, khiến cuộc sống vốn đã khó khăn, càng trở nên chật vật.
Theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), quy định này trước hết là sửa đổi “trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà” (bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình).
Theo đó, thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người áp dụng định mức sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện theo bậc thang thứ 3 (tính cho kWh từ 101 – 200 với giá bán lẻ 1.858 đồng/ kWh + thuế GTGT) cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại đồng hồ điện.
Trường hợp bên thuê nhà có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà) và trả tiền điện như một hộ khách hàng bình thường.
Đặc biệt, đối với những khu nhà trọ, nhiều người thuê nhưng không cùng gia đình, thì chủ nhà cho thuê trọ cần kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện, bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào chứng từ xác nhận tạm trú, cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện.
Tính đến 30/9/2018, EVN đã kiểm tra trên 177.000 nhà trọ và ký biên bản cam kết thu tiền điện đúng giá quy định với 157.000 chủ nhà trọ. Khi Thông tư 25 có hiệu lực, EVN sẽ tiếp tục rà soát và phợp với cơ quan quản lý nhà nước để kiểm tra, xử phạt trường hợp thu tiền sai quy định.
Như vậy, về lý thuyết thì với thông tư 25, người thuê nhà được hưởng giá điện đúng với mức giá Nhà nước quy định. Tuy nhiên, trên thực tế thì người cho thuê nhà vẫn có thể sử dụng một số “chiêu” nhằm “bù đắp” những thiếu hụt về thu nhập do chịu tác động của quy định này. Vì dụ, họ có thể nâng giá cho thuê nhà ở mức tương ứng so với mức giảm giá điện.
Trong những ngày gần đây, đã có một số người thuê nhà trọ ở TP.HCM cho biết chủ cho thuê nhà vừa thông báo từ tháng tới (tháng 11/2018) sẽ tăng giá thuê nhà thêm từ 200.000-400.000 đồng/tháng, tùy theo diện tích và vị trí nhà trọ. Do đó, nếu không có các biện pháp đồng bộ nhằm quản lý giá nhà trọ, ngăn chặn tình trạng đồng loạt tăng giá thì quy định mới về giá bán điện cho người ở trọ sẽ bị hạn chế tác dụng đáng kể, hay thậm chí còn bị “vô hiệu hóa”, người thuê nhà sẽ không được hưởng lợi.
Hiện giá bán lẻ điện sinh hoạt theo quy định của Nhà nước được chia làm 6 bậc thang. Bậc 1: từ 0 – 50kWh, khách hàng trả 1.549 đồng/kWh; Bậc 2: từ 51 – 100kWh trả 1.600 đồng/kWh; Bậc 3: từ 101 – 200kWh trả 1.858 đồng/kWh; Bậc 4: từ 201 – 300kWh trả 2.340; Bậc 5: từ 301 – 400kWh trả 2.615 đồng/kWh; Bậc 6: từ 401kWh trở lên trả 2.701 đồng/kWh.