THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:08

Người thầy thuốc với trái tim nhân hậu

PGS, TS, Thầy thuốc nhân dân Phạm Thị Hồng Thi và tác giả.

PGS, TS, Thầy thuốc nhân dân Phạm Thị Hồng Thi và tác giả.

1. Phạm Thị Hồng Thi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng quê gốc ở (Hưng Yên). Là con gái út trong nhà, ngày bé Hồng Thi ước mơ sau này được làm cô giáo. Nhưng thường xuyên chứng kiến cảnh ốm đau của bố mẹ do bệnh nghề nghiệp và cuộc sống quá kham khổ của một gia đình đông con trong thời buổi cả nước có chiến tranh, Hồng Thi rất xót xa, quyết định từ bỏ ước mơ thi vào trường sư phạm và chuyển sang học ngành y. Dấn thân vào con đường này đối với Hồng Thi quả là thử thách vì không chỉ học lâu mà còn “đơn thương độc mã” bởi không có ai cứu cánh khi ra trường. Nhưng “cái khó ló cái khôn”, Hồng Thi buộc phải chú tâm vào việc học để không phụ công dưỡng dục của cha mẹ và chứng minh việc mình chọn nghề y là đúng. Từ khi được nhận tháng lương khiêm tốn đầu tiên cho đến khi nhận quyết định về hưu (2018), Hồng Thi thấy không chỉ mình chọn nghề mà nghề cũng đã chọn mình.

2. Là bác sĩ chuyên khoa Tim mạch, Hồng Thi luôn trăn trở phải làm gì để giúp người bệnh vượt qua bệnh tật và kéo dài sự sống. Điều đó khiến chị ngày đêm nghiên cứu để tìm ra phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân. Đối với một bác sĩ trẻ như Hồng Thi, “học phải đi đôi với hành” - nghĩa là tiếp xúc thăm vấn bệnh nhân càng nhiều càng tốt, đặc biệt “người thầy vĩ đại nhất là sách”. Đọc sách mọi lúc mọi nơi có thể, không hiểu thì hỏi thầy, hỏi bạn, hỏi đồng nghiệp. Một may mắn cho Hồng Thi là đã được làm việc tại khoa Tim mạch (sau này là Viện Tim mạch Việt Nam), Bệnh viện Bạch Mai. Nơi đây tập trung nhiều thầy thuốc tim mạch đầu ngành như: GS Đặng Văn Chung, GS Trần Đỗ Trinh, GS Phạm Gia Khải, PGS Đinh Văn Tài, GS Nguyễn Lân Việt… Đây cũng là tuyến cuối cùng về tim mạch của cả nước, vừa nghiên cứu, vừa điều trị nên có mối quan hệ hợp tác rất hiệu quả với các bệnh viện chuyên ngành tim mạch trên thế giới. 100% các bác sĩ của viện được đi tu nghiệp ở nước ngoài và bác sĩ Hồng Thi không ngoại lệ. Chị được cử đi thực tập sinh chuyên ngành Tim mạch (1993 -  1994) tại Bệnh viện Robert Debre Paris (Cộng hòa Pháp).

Trên cơ sở những kiến thức tiên tiến được học ở nước ngoài, nó như món ăn tinh thần đầy đủ dưỡng chất, cộng với lòng đam mê luôn cháy bỏng, Hồng Thi càng vững tin trong mỗi bước đi của mình. Ai đã từng bị “thấp khớp đớp vào tim” (như cách nói dân dã ta từng nghe) nhưng thực chất đó là một loại liên cầu khuẩn gây viêm họng rồi làm tổn thương tim, khớp… nếu không được điều trị và phòng bệnh lâu dài sẽ dẫn đến bệnh lý van tim, suy tim và hậu quả cuối cùng là tử vong. Để giúp bệnh nhân bị thấp tim có chất lượng cuộc sống tốt hơn và kéo dài tuổi thọ, Viện Tim Mạch Việt Nam thấy cần phải thực hiện Dự án “Phòng thấp cấp II”. Hồng Thi đã được làm Thư ký của Dự án này do GS Phạm Gia Khải làm Chủ nhiệm.

3. Nhớ lại tháng 9/2002, tôi phải cấp cứu vào Viện Tim mạch vì trái tim đã quá rệu rã. Tôi hy vọng sẽ được gửi sang Bệnh viên Việt Đức thay van tim. Sau 1 tháng được bác sĩ Hồng Thi điều trị tích cực, sức khỏe tôi đã khá lên. Nhưng thật thất vọng vì khi mang ra hội chẩn, các GS, bác sĩ chuyên khoa dày dạn kinh nghiệm đã loại hồ sơ bệnh án của tôi với lý do: Suy tim độ 4, lớn tuổi (53 tuổi) nếu mổ lần thứ 3 để thay van nhân tạo, tiên lượng sẽ rất xấu, tỷ lệ tử vong rất cao.

Nhưng với bác sĩ Hồng Thi, chị luôn tin ở kết quả điều trị của mình và hiểu rất rõ trái tim của bệnh nhân đã trải qua 2 lần phẫu thuật tách van 2 lá như tôi. Tìm mọi cách “còn nước còn tát”. Hồng Thi liên hệ với Ths, bác sĩ Nguyễn Văn Mão (khoa Phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức), chạy đua với thời gian chuyển tôi sang đó để mổ thay van tim càng sớm càng tốt. Mặc dù bệnh tình quá nặng, khả năng thành công chỉ 50/50 và bị hôn mê 6 ngày sau mổ nhưng tôi đã hồi sinh kỳ diệu trước sự ngỡ ngàng của người thân và bác sĩ Phạm Thị Hồng Thi.

4. Năm nay, PGS, TS, Thầy thuốc Nhân dân Hồng Thi đã ở tuổi 64 và đã được nghỉ hưu theo chế độ nhưng chị không hề được “nghỉ” bởi lịch làm việc của chị vẫn dày đặc. Hiện chị là giảng viên cơ hữu Trường Đại học Thăng Long; giảng viên thính giảng Trường Đại học Y Hà Nội, Học viện Quân y. Hàng tuần, chị vẫn đảm nhận khám tim mạch tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đông Đô, Bệnh viện Medlatec, Phòng khám Bình Minh... Với kinh nghiệm 40 năm công tác, chị luôn sẵn sàng truyền dạy cho các thế hệ sau với mong muốn góp sức để Việt Nam có một nền y học xứng tầm thế giới. Mà trong đó có con gái của chị, bác sĩ tim mạch Trần Minh Phương ở Khoa Cấp cứu - Viện Tim mạch Việt Nam đang nối nghiệp mẹ với đầy triển vọng.                                                              

Lê Chín

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh