THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:44

Người phụ nữ tuyên bố phế truất tổng thống Hàn Quốc là ai?

 

Vào ngày Tòa án Hiến pháp chuẩn bị công bố phán quyết về số phận chính trị của bà Park Geun-hye hôm 10/3, quyền Chánh án Lee (55 tuổi) đã đến tòa sớm hơn bình thường để gặp các thẩm phán khác nhằm hội ý lần cuối trước khi tuyên bố quyết định lịch sử.


Quyền Chánh án Lee Jung-mi (giữa) trong ngày ra phán quyết phế truất bà Park Geun-hye hôm 10/3

 

Theo tờ The Korea Herald, giữa vô số những ánh đèn flash, điều gây tò mò nhất chính là hai chiếc lô cuốn tóc màu hồng vẫn còn chưa được gỡ ra ở phía sau đầu bà Lee. Hình ảnh này ngay lập tức được lan truyền trên mạng, dù giới chức tòa án khuyến cáo giới truyền thông không sử dụng hình ảnh đó.

Hôm nay 13/3 là ngày cuối cùng bà Lee có mặt và làm việc tại Tòa án Hiến pháp, cũng là ngày bà kết thúc nhiệm kỳ làm việc 6 năm của mình.

Là nữ thẩm phán duy nhất trong hội đồng gồm 9 thành viên, bà đã trở thành người trẻ nhất trong lịch sử Hàn Quốc đảm nhận công việc quan trọng này vào năm 2011. Việc Chánh án khi đó là ông Lee Yong-hoon đề cử bà Lee cũng thu hút sự chú ý của dư luận, do bà tốt nghiệp Đại học Hàn Quốc, một điều khác thường trong hội đồng chủ yếu do những nhân vật từng tốt nghiệp Đại học Quốc gia Seoul thống lĩnh.

Bà Lee vốn ăn nói nhỏ nhẹ, nhưng năng lực và đầu óc thì rất mạnh mẽ. Bà không tạo đình đám trong suốt sự nghiệp của mình, nhưng lại tạo dựng được lòng tin khi luôn đứng về phía những người có thể gặp nguy hiểm trong xã hội. Một trong những bản án đáng chú ý của bà là phán quyết ủng hộ một người mẹ tử vong sau ca sinh mổ mà không được bác sĩ của mình thông báo về những rủi ro của việc phẫu thuật vào năm 2003. Năm 2007, bà đã ra lệnh cho một chủ thầu và một ngân hàng phải bồi thường cho các cư dân đã thuê các căn hộ dành cho đối tượng có thu nhập thấp vì các đơn vị này thi công chậm.

“Một thẩm phán về hiến pháp mang trách nhiệm được quy định trong Hiến pháp nhằm dung hòa những giá trị và xung đột khác nhau trong xã hội để đạt được sự hòa hợp xã hội ở một hình thức phát triển cao hơn. Vì vậy, người đó phải tế nhị và chu đáo, có ý thức vững chắc về sự cân bằng để cộng đồng thiểu số và những người thiệt thòi trong xã hội không trở thành vật hy sinh”, bà Lee phát biểu.

Tại Tòa án Hiến pháp, bà Lee đã thụ lý vụ án gây nhiều tranh cãi hồi năm 2014 vốn dẫn đến việc giải tán đảng Tiến bộ Thống nhất cực tả. Khi đó, bà đưa ra kết luận rằng các thành viên của đảng này đã tìm cách lật đổ chính phủ với sự hỗ trợ của CHDCND Triều Tiên.

Bà Lee hầu hết đưa ra quan điểm theo đa số, bao gồm tính chất hợp hiến của luật cấm một đảng giữ thế đa số thông qua một dự luật gây tranh cãi gay gắt, và một luật chống tham nhũng - trong đó cấm thành viên các cơ quan dân sự, cơ sở giáo dục tư nhân và truyền thông cung cấp hay nhận những bữa ăn miễn phí, quà tặng và những khoản tiền trị giá từ 30.000 won (hơn 597.000 đồng), 50.000 won, 100.000 won hoặc cao hơn.

Trong một vụ án khác, bà đã chuẩn thuận lời buộc tội ngoại tình được phán quyết là vi hiến tại một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 7 phiếu thuận và 2 phiếu chống hồi năm 2015. Theo bà, điều này giúp bảo vệ hệ thống hôn nhân một vợ một chồng, cũng như cộng đồng các gia đình.

Tiếp tục được bảo vệ 24/24

Sau khi cựu chánh án Park Han-chul về hưu vào tháng 1 vừa qua, việc tiếp nhận vai trò cao nhất ở Tòa Hiến pháp đã biến bà Lee trở thành tâm điểm chú ý. Tuy nhiên, điều này cũng đã mang đến áp lực chính trị khổng lồ từ cả 2 phe ủng hộ và chống lại việc luận tội bà Park. Trong đó, những người ủng hộ bà Park đã lan truyền địa chỉ nhà của bà Lee trên mạng, cũng như công bố những lời đe dọa tấn công nhằm vào người phụ nữ này.

Bà Lee sẽ tiếp tục được cảnh sát Hàn Quốc bảo vệ 24/24 giờ sau khi về hưu, do vẫn còn những lo ngại về sự an toàn của bà sau sự kiện ngày 10.3. Tuy nhiên, bà đã để lại dấu ấn không dễ phai mờ trong lịch sử Hàn Quốc ngay trước thềm phán quyết lịch sử.

Chắc chắn cái khó phai mờ không phải là 2 lô cuốn tóc màu hồng đã gây sốt trong ngày quyền Chánh án Lee đưa ra quyết định biến nữ tổng thống Park trở thành dân thường. Nhưng một số người cho rằng hình ảnh đó cho thầy bà Lee làm việc chuyên nghiệp và tận tâm, tương phản với kiểu tóc hoàn hảo của bà Park trong lần xuất hiện trước công chúng trong thảm họa chìm phà Sewol hồi năm 2014 khiến dư luận Hàn Quốc phẫn nộ.

Khi đưa ra phán quyết lịch sử, bà Lee đã kêu gọi hòa giải và chấm dứt sự chia rẽ đang ngày càng sâu sắc ở Hàn Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần thượng tôn pháp luật “như một giá trị được bảo vệ trong bất kỳ trường hợp nào”.

“Chúng tôi hy vọng phán quyết này sẽ là nền tảng chấm dứt một sự chia rẽ sâu hơn trong dư luận và tiến đến con đường hòa giải và hàn gắn”, bà Lee nói.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh