Người phụ nữ bị nhiễm nấm phổi hiếm, phức tạp - căn bệnh ít người biết nhưng tỷ lệ tử vong cao
- Y học 360
- 01:04 - 15/02/2020
"Nghĩ đến bệnh tôi đã suy sụp hoàn toàn"
Thông tin Khoa Hô Hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương đã điều trị thành công bệnh nấm sợi Aspergillosis xâm lấn vào phổi co bệnh nhân N. T . L (Hà Giang).
Chồng bệnh nhân L chia sẻ: ‘Khi biết vợ mình bị nấm phổi (Aspergillosis), một căn bệnh hiếm gặp và nguy cơ tử vong rất cao, tôi đã suy sụp hoàn toàn, ngày nào cũng suy nghĩ, thậm chí nghĩ đến tình huống xấu nhất. Thế nhưng, sau 1 tháng điều trị vừa qua với chuyên môn cao và sự nỗ lực đến cùng của bác sĩ "tuyến đầu", vợ tôi đã được cứu sống, bà ấy đã đi lại, cười nói như xưa. Niềm hạnh phúc vô bờ ấy thật không có gì tả được!".
Sau khi được chuyển tuyến từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang đến Bệnh viện Phổi Trung ương, các bác sĩ Khoa Hô hấp đã nhanh chóng chẩn đoán đây là ca bệnh nấm phổi phức tạp, căn bệnh ít người biết nhưng nguy cơ tử vong cao thường gặp ở người suy giảm miễn dịch, già yếu, mắc bệnh mạn tính lâu ngày. Tỉ lệ bệnh nấm phổi chỉ chiếm 0,02% các bệnh phổi. Tuy nhiên khi bị nấm phổi không phát hiện điều trị kịp thời khả năng tử vong có thể lên tới 50-70%.
Người bệnh được điều trị với phác đồ phù hợp
Th.S Ngô Thị Thúy Quỳnh, Khoa Hô hấp Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: " Chỉ vài ngày trước khi nhập viện, người bệnh xuất hiện tình trạng sốt cao, ho nhiều, đau ngực âm ỉ, người mệt mỏi không thể đi lại và không nói được trong khi trước đó hoàn toàn khỏe mạnh. Người bệnh được điều trị trong thời gian tương đối dài với 2 liệu trình liên tục kéo dài hơn 1 tháng.
Ở liệu trình đầu tiên, cơ thể người bệnh không đáp ứng thuốc tốt nên tình trạng sức khỏe ít cải thiện. Sau rất nhiều lần hội chẩn xem xét các phương án điều trị, sự thay đổi phác đồ thuốc ở liệu trình thứ 2 đã mang lại hiệu quả rất tốt, hiện nay các người bệnh đã khỏe hơn rất nhiều tiếng nói rõ hơn, cắt ho…và đặc biệt là xét nghiệm nấm Aspergillosis trở về âm tính. Bài học mà chúng tôi nhận được ở ca bệnh này chính là sự kiên trì, tìm ra những phác đồ phù hợp cho đến khi có hiệu quả với người bệnh thì thôi".
Theo Th.S Ngô Thị Thúy Quỳnh nhiều bộ phận hô hấp của người bệnh trên đã bị tổn thương viêm loét nặng, hoại tử do nấm sợi Aspergillosis xâm nhập và lan rộng. Đồng thời, người bệnh cũng có tiền sử bị nhiều bệnh khác như suy gan, K tuyến giáp nên phương án điều trị khó khăn hơn, đòi hỏi sự kiên trì, thường xuyên theo sát để thay đổi phác đồ phù hợp.
Với việc điều trị thành công những ca bệnh như trên sẽ mang lại sự tự tin, kinh nghiệm điều trị cho căn bệnh vẫn còn rất ít nghiên cứu này. Mục tiêu là tìm ra quy trình chẩn đoán và điều trị chuẩn cho bệnh nấm phổi, xây dựng cơ sở dữ liệu về nấm tại Việt Nam.