CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:57

Thừa Thiên Huế: Doanh nghiệp tuyên bố ngưng hoạt động NLĐ điêu đứng

Được biết đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công may mặc sản phẩm Kimono, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản,được thành lập ngày 16/5/2012, do ông Lê Đức Phú đứng tên đại diện với chức danh Giám đốc.

Ngày 1/1/2015, CtyXNK Thủy An ra thông báo chính thức sẽ tạm ngưng hoạt động sản xuất. Lý do được đưa ra là do tỷ giá đồng Yên Nhật giảm 35% làm ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của công ty. Nếu tiếp tục làm tiếp thì lương công nhân sẽ thấp vì hàng ít, doanh thu không đủ bù đắp chi phí. Vì vậy HĐQT công ty đã quyết định tạm ngưng sản xuất từ ngày 1/1 đợi đến khi nào tình hình kinh tế bớt khó khăn, ổn định trở lại sẽ tiếp tục làm.

Thông báo tạm ngưng sản xuất của Ban giám đốc Công ty XNK Thủy An nhưng không có chữ ký của Giám đốc

Tuy nhiên, theo phản ánh của người lao động thì từ ngày 15/12/2014, sau lô hàng cuối cùng, Ban giám đốc công ty Thủy An mà đại diện là ông Phan Ngà đã thông báo cho công nhân tạm nghỉ. Sau đó ông này thông qua các trợ lý của mình nhắn với người lao động là công ty tạm ngưng sản xuất. Nhiều người lao động không biết lý do đã kéo đến xưởng may (đóng tại Nhà Văn hóa Lao động Thừa Thiên- Huế, 100 Phạm Văn Đồng, Tp Huế) để hỏi vấn đề lương, thưởng của họ.

 “Chúng tối đến gặp ông Ngà thì ông cho biết công ty tạm thời ngưng sản xuất, tiền lương do tổng công ty trong TPHCM chưa kịp chuyển ra nên không thể trả theo đúng lịch là ngày 5 hàng tháng và hẹn ngày 8/1/2015 sẽ có lương. Khi chúng tôi hỏi vấn đề bảo hiểm xã hội thì ông ấy trả lời chưa thể chốt sổ vì công ty chỉ tạm ngưng hoạt động. Công ty ngưng sản xuất hay phá sản chúng tôi không rõ nhưng đáng lẽ Ban giám đốc phải thông báo trước và trực tiếp cho chúng tôi. Họ làm như thế này thì quyền lợi người lao động của chúng tôi sẽ ra sao?" Chị Trần Thị Me, công nhân của công ty bức xúc.

Quá bức xúc trước cách làm thiếu minh bạch của Ban giám đốc Công ty CP XNK Thủy An, sáng ngày 9/1, người lao động tiếp tục “vây” cổng xưởng may và “giam” ông Phan Ngà tại đây để đợi câu trả lời xác đáng. Có mặt tại đây từ lúc 13h cùng ngày, PV Báo Lao động Xã hội đã chứng kiến việc người lao động không chịu về ăn cơm trưa mà quyết tâm đợi ông Lê Đức Phú (trước đó ông Ngà nói với họ là 14h ông Phú sẽ tới) đến giải thích chuyện bảo hiểm xã hội. Không nhưng thế, chúng tôi còn ghi nhận sự quá đáng của ông Phan Ngà khi ông này thách đố người lao động: “lên Sở LĐ – TB&XH, Bảo hiểm xã hội tỉnh mà kiện, nếu không biết chỗ tôi sẽ chỉ cho!”

Người lao động Không chịu về nhà ăn cơm trưa mà quyết tâm ở lại hỏi cho ra nhẽ

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, công ty có gần 100 lao động, trong đó đa số là lao động nữ. Hiện có 4 lao động đang trong thời kỳ nghỉ sinh và 4 lao động thai sản từ 5 – 9 tháng. Tuy nhiên những người này cho biết họ không được hưởng chế độ nào từ công ty. “Những người sinh con không được hưởng chế độ ngay, chỉ khi đi làm lại và đòi rát cũng như đợi lâu họ mới trả” một lao động cho hay.

Ông Phan Ngà (bên trái) hẹn làm việc với phóng viên vào ngày hôm sau

Làm việc với cơ quan hữu quan, chúng tôi còn được biết dù có gần 100 lao động, nhưng công ty này chỉ đóng bảo hiểm cho 41 lao động và tính đến thời điểm này công ty Thủy An đang nợ bảo hiểm của người lao động lên đến 11 tháng, với tổng sổ tiền hơn 289 triệu đồng, chưa kể tiền lãi. Không những thế doanh nghiệp còn thông báo với Bảo hiểm xã hội thành phố Huế về việc giảm bảo hiểm với toàn thể 41 lao động trên kể từ tháng 1/2015, chưa tính truy lĩnh giảm từ tháng 12/2014. Như vậy câu trả lời của ông Ngà cũng như Ban giám đốc Công ty XNK Thủy An với người lao động là chưa chốt bảo hiểm vì công ty chưa phá sản mà chỉ ngưng hoạt động là chính xác hay chỉ ngụy biện?

Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.





Thảo Vi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh