Người góp phần xoa dịu nỗi đau thời hậu chiến
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 17:52 - 26/07/2016
Năm 1997, Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ (NĐTTNLS) tỉnh Quảng Trị được thành lập và chính thức đi vào hoạt động. Đây là một đơn vị hoạt động mang tính đặc thù, bởi nó không đơn thuần là một nhà khách (chỉ phụ vụ khách lưu trú), mà trên hết cao cả hơn, nó chính là nơi tri ân, gắn kết nghĩa tình sâu nặng giữa các thân nhân liệt sĩ với người dân Quảng Trị thời hậu chiến. “Tiếng lành đồn xa”, trước khi đến Quảng Trị, tôi đã được nghe rất nhiều chuyện kể về những việc làm, sự tri ân đầy tâm huyết, đầy nghĩa tình và thiết thực của lãnh đạo và tập thể cán bộ, nhân viên, đối với từng thân nhân liệt sĩ khi đến lưu trú tại NĐTTNLS.
Trong đó, người được nhắc đến nhiều nhất, trân quý nhất, cảm phục nhất là ông Nguyễn Minh Hoàn - Giám đốc NĐTTNLS. Ông chính là người đã góp phần rất nhiều tâm huyết, thời gian, công sức làm cho sự tri ân các anh hùng liệt sĩ và thân nhân của họ, trên mảnh đất Quảng Trị ngày càng thấm đượm nghĩa tình hơn. Bằng tất cả lòng nhiệt thành và cái tâm của một người làm công tác đền ơn đáp nghĩa, ông là người đã góp phần xoa dịu nỗi đau của hàng ngàn, hàng vạn thân nhân trong cả nước khi đến Quảng Trị thắp nhang tri ân, tìm mộ, di dời mộ liệt sĩ.
Ông cho biết, nhiệm vụ của đơn vị là đón tiếp lo ăn nghỉ, đưa đón thân nhân liệt sĩ đi các nghĩa trang thăm viếng, tìm kiếm, cất bốc mộ liệt sĩ di dời về quê, thanh toán chế độ chính sách, hỗ trợ kinh phí tiền tàu, xe, ăn uống dọc đường khi đi về. Hàng năm đơn vị đón tiếp khoảng 10.000 lượt thân nhân, đặc biệt vào những năm chẵn kỷ niệm những ngày lễ lớn, số thân nhân lên tới khoảng từ 15.000 đến 16.000 lượt người. Thân nhân liệt sĩ đến Quảng Trị đông nhất là vào thời diểm các tháng 4, 6, 7, 11 và 12 trong năm, cao điểm là vào tháng 7 hàng năm bình quân đơn vị đón tiếp, phục vụ từ 600 – 700 lượt người/ngày. Ngoài ra hàng năm, đơn vị còn đón tiếp rất nhiều đoàn khách của ngành LĐ –TB & XH, đoàn người có công với nước, các đoàn cựu chiến binh về thăm chiến trường Quảng Trị đến từ khắp các tỉnh, thành Bắc, Trung, Nam.
Ông Nguyễn Minh Hoàn - Giám đốc NĐTTNLS (phía bên phải trong cùng) đang đón tiếp các thân nhân liệt sĩ tại văn phòng.
Không chỉ chu đáo về mặt đón tiếp, chăm lo nơi ăn nghỉ, sự đi lại thăm viếng, tìm kiếm, di dời mộ liệt sĩ cho từng đối tượng thân nhân khi đến Quảng Trị. Bản thân ông Nguyễn Minh Hoàn, hàng năm còn trực tiếp tra cứu, trả lời cho thân nhân về thông tin mộ liệt sĩ từ 1.800 – 2.000 cuộc và khoảng 200 thư từ. Ông tâm niệm, đối với các anh hùng liệt sĩ và thân nhân của họ, đây là sự tri ân thiết thực nhất. Để làm tốt việc này, không đơn giản chỉ đòi hỏi về sự hy sinh thời gian, công sức, mà phải thự sự là người có tâm huyết.
Trong quá trình tư vấn cho thân nhân tìm kiếm thông tin của liệt sĩ, người làm công việc này phải tìm hiểu, nghiên cứu qua nhiều kênh như: Liên hệ với các đơn vị quân đội trước đây, các cựu chiến binh, sử sách của các đơn vị quân đội, từ những trận đánh trong chiến tranh, để tư vấn cho thân nhân cách tìm hài cốt ở nơi hy sinh của liệt sĩ. Ông cho biết, từ năm 2013, khi Bộ Quốc phòng tập trung giải mã và cung cấp thông tin nơi hy sinh của liệt sĩ, thì NĐTTNLS tỉnh Quảng Trị thực hiện việc tư vấn này cũng đỡ vất hơn và cũng đem lại hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Minh Hoàn đang tận tình hướng dẫn thân nhân các liệt sĩ về thông tin, vị trí mộ các liệt sĩ trên sơ đồ
Tâm huyết nhất của ông hiện nay chính là Đề án “Điều tra, bổ sung, điều chỉnh khoảng hơn 4.000 liệt sĩ còn thiếu thông tin, hoặc sai lệch thông tin tại các nghĩa trang của tỉnh Quảng Trị”. Đề án mang tính nhân văn, đầy nghĩa tình về sự tri ân này, nhằm mục đích bổ sung, chỉnh sửa thông tin trên bia mộ liệt sĩ, mà trước đây chưa có nơi nào làm. Theo ông từ trước tới giờ, trong danh sách quản lý mộ liệt sĩ ở 72 nghĩa trang của Quảng Trị, có nhiều liệt sĩ còn thiếu thông tin, thông tin chưa đầy đủ như sai quê quán, nhiều liệt sĩ chỉ biết tên chưa biết họ, nhiều thông tin khác không có, hoặc rất ít. Qua điều tra, hiện nay có trên 4000 trường hợp liệt sĩ ở 72 nghĩa trang tại Quảng Trị còn sai sót, thiếu thông tin.
Chính đây là lý do vì sao nhiều phần mộ liệt sĩ ở các nghĩa trang Quảng Trị, suốt hàng chục năm qua chưa có thân nhân đến thăm viếng. Đó cũng chính là thực trạng khiến ông luôn đau đáu, day dứt, trăn trở tìm nhiều giải pháp để khắc phục, với mong muốn góp phần xoa dịu nỗi đau của thân nhân, tri ân cùng những liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất Quảng Trị. Những năm qua, ông đã công phu tiến hành điều tra, chụp ảnh, lập danh sách về tình trạng thục tế trên bia mộ, sau đó trình đề nghị Sở LĐ – TB & XH tỉnh Quảng Trị giử thông báo cho thân nhân ở địa phương và ngành LĐ – TB & XH các tỉnh, thành trong cả nước biết để bổ sung, điều chỉnh thông tin. Đây là một đề án mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và đầy tâm huyết nghĩa tình của ông để tri ân các anh hùng liệt sĩ và thân nhân của họ, góp phần xoa dịu nỗi đau thời hậu chiến”.