THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:46

Người giữ rừng trên những trang báo

Với đặc điểm thổ nhưỡng là vùng đất đỏ Bazan, ở độ cao khoảng 500 m đến 600 m so với mặt biển, Tây Nguyên rất phù hợp với những cây công nghiệp như Cà phê, Ca cao, Hồ tiêu, Dâu tằm. Cây điều và cây Cao su cũng đang được phát triển tại đây. Cà phê là cây công nghiệp quan trọng nhất vùng này và cũng là khu vực ở Việt Nam còn nhiều diện tích rừng với thảm sinh vật đa dạng, trữ lượng khoáng sản phong phú hầu như chưa khai thác và tiềm năng du lịch lớn, có thể coi là mái nhà của Miền Trung, có chức năng phòng hộ rất lớn.

Người giữ rừng trên những trang báo - Ảnh 1.

PV tác nghiệp tại hiện trường

Tuy nhiên, nạn phá rừng, hủy diệt tài nguyên thiên nhiên và khai thác lâm sản bừa bãi chưa ngăn chặn được tại đây có thể dẫn đến nguy cơ làm nghèo kiệt rừng và thay đổi môi trường, sinh thái. Tài nguyên rừng và diện tích đất lâm nghiệp ở Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ ngày càng suy giảm nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân khác nhau, như là diện tích rừng bị xâm hại do dân di cư mới đến lập nghiệp xâm lấn rừng để ở và sản xuất (phá rừng làm nương rẫy) cũng như nạn phá rừng, khai thác lâm sản trái phép chưa kiểm soát được mà ngày còn gia tăng.

Hiện nay, chính quyền địa phương đã giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định và giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn, làng, nhằm mục đích hạn chế tối đa diện tích rừng bị xâm hại và hủy hoại rừng, nhưng hiện tại ở Tây nguyên thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ phá rừng quy mô, đã được phóng viên tiếp cận phản ánh và đưa tin, các cơ quan liên quan từ trung ương đến địa phương vào cuộc điều tra xử lý.

Ngoài việc tuyên truyền, chỉ đạo chặc chẽ của các cấp các ngành, cơ quan liên quan về việc chăm sóc bảo vệ rừng, thì các phóng viên, đã tuyên truyền và phản ánh nhiều sự việc liên quan đến lĩnh vực chăm sóc bảo vệ rừng bằng những bài báo hay đến cho bạn đọc, để có được những nội dung hình ảnh, các bài viết, phóng sự hay, phóng viên nằm rừng, lội suối, nhiều hiểm nguy, có thể xảy ra với bản thân, nhưng với tâm huyết yêu nghề..., đặc biệt phóng viên trên địa bàn vùng Tây Nguyên đã tiếp cận và phản ánh những vụ việc phá rừng quy mô lớn, chiếm dụng đất rừng…

Người giữ rừng trên những trang báo - Ảnh 2.

PV báo LĐXH điện tử Dân Sinh ghi lại tại hiện trường

Một lần "đột nhập" hang ổ lâm tặc

Những tiếng khóc âm ỉ từ đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ một thời, từng ngày yếu ớt vì bị chính con người xâm hại, tàn phá. Chúng tôi đã có nhiều chuyến thâm nhập vào hang ổ của "lâm tặc" để ghi nhận những hình ảnh tàn sát rừng nguyên sinh, mặc dù biết hiểm nguy luôn rình rập… Trong ký ức của phóng viên vẫn còn nguyên vẹn khi nhắc lại chuyến xâm nhập vào rừng và những phút giây giáp mặt với nhóm "lâm tặc". Kế hoạch được tôi và một bạn đồng nghiệp đã được định sẵn trong đêm chỉ chờ trời tờ mờ sáng sẽ xuất phát theo dự kiến. Đúng 5 giờ sáng, hai anh em lên chiếc Honda đã bạc màu, xuất phát từ thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum theo hướng huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai.

Vượt gần 40 km đường nhựa, chúng tôi xâm nhập vào khu rừng nguyên sinh do Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Pah (tỉnh Gia Lai) quản lý phải mất thêm vài giờ đồng hồ, vượt qua bao nhiêu con dốc, lội qua bao nhiêu con suối chúng tôi mới đến được điểm nóng tập kết phá rừng.

Để vào rừng chúng tôi men theo con đường đất, con đường độc đạo được lâm tặc dùng xe cày dạng công suất lớn độ chế băng qua nhiều cánh rừng già. Những vết bánh xe in hằn, ăn sâu hoắm vào lòng đất, có nhiều chỗ sâu 1-1,5m, tạo thành những con mương trên đường. Đồng nghiệp tôi điều khiển xe máy, còn tôi nhảy xuống đẩy hỗ trợ mới vượt qua nhiều đoạn đường trắc trở.

Sau nhiều giờ vật lộn với những hiểm trở con đường dẫn vào rừng, chúng tôi vào đến làng Kon Sờ Mây (viết theo tiếng người đồng bào Ba Na nơi đây-PV), ngôi làng nằm biệt lập, lọt thỏm giữa những đồi núi hiểm trở. Tại khúc song gần ngôi làng chúng tôi phát hiện nhiều lóng gỗ có đường lính 60-90 cm nằm ngổn ngang khu vực bờ sông này. Tôi nói nhỏ vào tai bạn đồng nghiệp, rồi cả hai im lặng mật phục chờ xe gỗ…

Khoảng 13 giờ chiều, khi chúng tôi đang bàn kế hoạch, tính phương án thì vọng ra từ cánh rừng già cách đó không xa những tiếng "gầm rú", tiếng máy nổ vang lên mỗi lúc một gần hơn. Biết có xe gỗ đang ra tôi đã đem chiếc xe máy cũ kĩ của mình cất giấu khu vực gần suối, trên xe tôi còn dắt thêm những lá cây kiểu ngụy trang như những người đi tìm kiếm lá thuốc trong rừng. Xong việc ngụy trang đâu đó, tôi và bạn đồng nghiệp đã lăm le trên tay chiếc điện thoại, sẵn sàng ghi những thước hình cận cảnh điểm nóng vận chuyển gỗ rừng.

Chỉ khoảng 20 phút sau, chiếc con "trâu sắt" trên lưng cõng no gỗ đang ì ạch xả khói đen ngòm tiến ra từ trong rừng. Quan sát thấy 3 chiếc máy cày cỡ lớn đang nối đuôi nhau tiến về hướng mình, tôi ra hiệu cho anh bạn đồng nghiệp tách ra, để bắt đầu ghi hình. Để ngụy trang khỏi bị phát hiện trước những con mắt "láu liếng" của nhóm người vận chuyển gỗ, tôi đã bỏ chiếc điện thoại vào túi áo trước ngực. Khi xe gỗ vừa tiến ra là những thước phim như đã lọt vào "túi áo", chúng tôi giả vờ như không quan tâm đến những người vận chuyển gỗ cứ nhìn theo xe như những đứa trẻ vùng sâu hiếu kì nhìn những con "trâu sắt" vì lạ lẫm.

Người giữ rừng trên những trang báo - Ảnh 3.

Phóng viên Báo LĐXH điện tử Dân Sinh tại hiện trường

Về phía nhóm "lâm tặc" phát hiện thấy hai người lạ mặt đã tỏ ra ngờ vực, khi chiếc xe vừa rú ga leo lên con dốc qua suối đã có hai người nhảy từ trên xe xuống và lẻn vào bìa rừng gần đó để theo dõi chúng tôi. Khoảng 5 phút sau, trong suy nghĩ của tôi là đã no nê hình ảnh và để đánh lạc hướng nghi ngờ của nhóm "lâm tặc" tôi đã bám theo chiếc xe cày cuối cùng, tính kế xin "quá giang" ra khỏi rừng sâu. Biết ý đồ của tôi anh bạn đồng nghiệp ra kí hiệu, tỏ vẻ không đồng ý, lúc này tôi không bu bám theo mà quay lại khu vực suối. "Anh muốn chúng xé xác à!" người bạn đồng nghiệp nhắc. Rồi cả hai vội vã quay lại chỗ giấu, nổ máy phi nhanh vào ngôi làng Kon Sơ Mây cách đó 500m.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Gần đây nhất để phản ánh việc phá họa rừng pơ mu tại huyện Krông Bông tỉnh Đắk Lắk, phóng viên đã cùng các cơ quan chức năng sở tại lặn lội, băng rừng vượt suối, 2 ngày 2 đêm mới đến được hiện trường để ghi nhận những hình ảnh nóng nhất về tình trạng phá rừng. Sau đó, hiện trạng phá rừng đã được đăng tải trên các trang báo (như báo Nhân Dân, Dân Sinh, TTXVN) và đã được các cơ quan chức năng địa phương tích cực vào cuộc điều tra xử lý, đặc biệt ở vụ này phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo các cơ quan vào cuộc làm rõ vụ việc.

Như ngày 21/5, Báo Dân Sinh đưa tin: Đắk Lắk: Hàng chục héc ta rừng nguyên sinh bị tàn phá và bài Kon Tum: Hàng ngàn héc ta bị lấn chiếm…Ngay sau khi sự việc được đăng trên báo, gần như tất cả các cơ quan liên quan vào cuộc để hoàn tất hồ sơ xử lý hoặc chuyển các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật, như bài viết Kon Tum: Hàng ngàn héc ta bị lấn chiếm khi bài đăng chính quyền địa phương huyện Sa Thầy tỉnh Kon Tum thành lập ngay một đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra hiện trường và mời phóng viên về trả lời sự việc và hướng giải quyết…

Phóng viên ghi lại cho bạn đọc những thực tế hay nhất và mong muốn bài viết được các cơ quan chức năng quan tâm vào cuộc chỉ đạo xử lý những tổ chức cá nhân hủy họa rừng vì mục đích vụ lợi. Để những cánh rừng xanh được mãi xanh và hùng vĩ như mái nhà chung của Miền Trung.

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh