Người đi xuất khẩu lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 12:30 - 26/02/2016
Theo Luật Bảo hiểm xã hội số 53/2014/QH13 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2014, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016, trong đó quy định đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài có hợp đồng là phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. Đây là điểm mới mang tính nhân văn rất cao của Luật, vì khi người lao động đủ tuổi (60 đối với nam, 55 đối với nữ) và có đủ 20 năm đóng BHXH, sẽ được hưởng lương hưu tối đa là 75% mức tiền lương đóng BHXH. Ngoài ra, người lao động sẽ được hưởng chế độ tử tuất, điều này góp phần bảo đảm an sinh cho người lao động. Theo quy định, phương thức đóng BHXH đối với lao động đi làm việc ở nước ngoài là 3 tháng, 6 tháng, hay 12 tháng đóng 1 lần, nơi đóng BHXH rất linh hoạt đối với người lao động, thậm chí sau khi người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập, người lao động có thể gửi tiền về để đóng BHXH.
Người lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cần biết các thông tin cụ thể quy định đến BHXH bắt buộc đối với người đi xuất khẩu lao động. Theo đó, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tham gia BHXH bắt buộc được áp dụng đối với các hợp đồng như: Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ, tổ chức sự nghiệp được phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề; hợp đồng cá nhân. Bên cạnh đó, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các hợp đồng quy định tại các Điểm a và d của Khoản 1 chỉ thực hiện chế độ hưu trí và tử tuất. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Điểm b của Khoản 1 thực hiện đầy đủ các chế độ BHXH bắt buộc.
Về mức đóng và phương thức đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, gồm: Mức đóng hàng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đối với người lao động đã có quá trình tham gia BHXH bắt buộc; bằng 22% của 2 lần mức lương cơ sở đối với người lao động chưa tham gia BHXH bắt buộc, hoặc đã tham gia BHXH bắt buộc, nhưng đã hưởng BHXH một lần.
Phương thức đóng BHXH được thực hiện 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng một lần, hoặc đóng trước một lần theo thời hạn ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Người lao động đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH nơi cư trú của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, hoặc đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Cục Quản lý lao động ngoài nước nêu rõ, trong trường hợp đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp thu, nộp BHXH cho người lao động và đăng ký phương thức đóng cho cơ quan BHXH. Trường hợp người lao động được gia hạn hợp đồng hoặc ký hợp đồng lao động mới ngay tại nước tiếp nhận lao động, thì thực hiện đóng BHXH theo phương thức quy định, hoặc truy nộp cho cơ quan BHXH sau khi về nước. Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu, các doanh nghiệp đưa thông tin về BHXH đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, vào nội dung bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, để người lao động biết, lựa chọn hình thức phù hợp. |