CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:23

Người dân yên tâm sử dụng nước mắm truyền thống

Yên tâm sử dụng nước mắm

Thông tin nước mắm nhiễm Asen (thạch tín) do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) công bố không những khiến người dân hoang mang, mà nhiều cơ sở sản xuất nước mắm rất lo lắng và bức xúc. Tuy nhiên, đến nay sau khi các cơ quan, ban, ngành cùng Bộ Y tế đã chính thức kiểm nghiệm và khẳng định 100% các mẫu nước mắm không phát hiện Asen vô cơ vượt ngưỡng giới hạn tối đa cho phép, người tiêu dùng đã yên tâm lựa chọn các loại nước mắm tùy theo sở thích của mình, các kênh bán hàng cũng yên tâm bày bán cả nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Tại nhiều chợ truyền thống cũng như các cửa hàng tiện ích trên khu vực Hà Nội cho thấy, việc mua bán các sản phẩm nước mắm diễn ra bình thường, giá cả ổn định với đa dạng các sản phẩm bao gồm nước mắm công nghiệp và nước mắm truyền thống. Siêu thị ngưng bán sản phẩm nước mắm truyền thống cũng đã nhanh chóng đưa mặt hàng này trở lại kệ hàng để phục vụ nhu cầu khách hàng.

Sản xuất nước mắm truyền thống tại xã Hải Thanh (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa).

Theo bà Nguyễn Thị Minh (chủ sạp tạp hóa tại chợ Đồng Xa - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội), mấy ngày qua người dân ở chợ cũng xì xào về công bố chất lượng nước mắm, thế nên ngày nào họ cũng theo dõi tivi để nắm bắt thực hư tình hình. Từ khi Bộ Y tế chính thức công bố 100% các mẫu nước mắm an toàn thì sức mua đã tăng trở lại. Người tiêu dùng đã trở về với thói quen tiêu dùng hằng ngày, tùy khả năng tài chính và khẩu vị, mọi người quay về với nước chấm Chinsu, Nam Ngư, Tam Thái Tử, nước mắm Hạnh Phúc, Long Hải, Cát Bà,…

Chị Nguyễn Thị Dung, một khách hàng cho biết: “Gia đình tôi phải luôn phải sử dụng song song 2 loại nước mắm. Ông bà thích ăn nước mắm truyền thống bởi hương vị đậm đà, độ đạm cao. Trong khi các con lại thích nước chấm công nghiệp vì nhạt hơn và ít mùi. Khi có thông tin nước mắm truyền thống nhiễm Asen, vợ chồng tôi rất hoang mang và lo lắng vì hàng chục năm nay bố mẹ tôi vẫn quen sử dụng loại nước mắm này. Chỉ đến khi chất lượng nước mắm được Bộ Y tế công kết quả kiểm nghiệm, được các cơ quan truyền thông đồng loạt đưa tin thì gia đình tôi thở phào và yên tâm sử dụng”.

Bà Đỗ Thị Hào, 57 tuổi, giáo viên nghỉ hưu (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: Khi Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố kết quả có đến 125/150 mẫu nước mắm đóng chai có ít nhất một trong 5 chỉ tiêu của nhóm hoá học được khảo sát không đạt so với tiêu chuẩn hoặc công bố trên nhãn hàng. Trong đó, hàm lượng asen còn gọi là thạch tín là chất gây ung thư dư rất nhiều, tôi rất hoang mang, thấy mất niềm tin vào các loại nước mắm đang bày bán trên thị trường. Do vậy, dù quê tôi ở tận Thanh Hóa nhưng tôi vẫn phải nhờ mọi người gửi nước mắm người nhà tự làm để gia đình sử dụng cho an tâm. “Giờ thì Bộ Y tế đã khẳng định 100% mẫu nước mắm trên thị trường an toàn, tôi đã yên tâm sử dụng lại nước mắm trên thị trường”, bà Hào vui vẻ cho biết.

Không ảnh hưởng trước thông tin sai trái

Xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia được xem là vùng sản xuất nước mắm truyền thống lâu đời và lớn nhất ở Thanh Hóa. Trải qua bao thế hệ với tuổi đời hàng trăm năm, nghề làm nước mắm truyền thống nơi đây vẫn giữ được chỗ đứng tin cậy và đang ngày càng phát triển. Chính với truyền thống, thương hiệu mà làng nghề trăm tuổi này không hề bị ảnh hưởng bởi thông tin nước mắm nhiễm Asen.

Xã Hải Thanh có 7 làng, trong đó có 3 làng vùng giáo là Xuân Tiến, Quang Minh và Thượng Hải, gọi chung là Ba Làng; còn lại 4 làng vùng lương gọi chung là Do Xuyên. Nghề làm nước mắm truyền thống xuất phát từ Do Xuyên đã có hàng trăm năm trước. Giai đoạn cực thịnh là những năm 50, 60 của thế kỷ 20. Từ sau thập kỷ 60, do nhiều biến động của lịch sử, nước mắm Do Xuyên dần dần mai một và bị thất truyền. Do vùng Do Xuyên đất chật, người đông, bà con ngư dân chuyển dần từ nghề đánh cá cơm, cá nục, cá trích trước đây sang đánh cá hố và câu mực xuất khẩu, dẫn đến mất nguồn nguyên liệu phục vụ nghề chế biến nước mắm. Trong khi đó, vùng Ba Làng có lợi thế về đất đai rộng, nghề khai thác tập trung đánh bắt cá cơm, cá nục, moi... nên chủ động được nguyên liệu để sản xuất nước mắm.

Người tiêu dùng đã yên tâm mua và sử dụng nước mắm truyền thống.

Từ chỗ phát triển nhỏ lẻ, tự phát, những năm gần đây, do nhu cầu của thị trường tăng cao nên nghề làm nước mắm ở Ba Làng phát triển mạnh mẽ. Nhiều hộ gia đình đã phát triển từ tổ hợp sản xuất lên thành công ty. Cái tên nước mắm Do Xuyên - Ba Làng cũng được bắt nguồn từ đó và trở nên nổi tiếng trên toàn quốc.Ông Đỗ Xuân Chung, Chủ tịch UBND xã Hải Thanh cho biết, toàn xã có 3.800 hộ, hơn 16.500 nhân khẩu thì có đến hàng trăm hộ gắn với nghề làm nước mắm truyền thống. Nghề làm nước mắm không chỉ mang lại thu nhập khá mà còn tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương. Hầu hết các hộ sản xuất theo mô hình hộ gia đình nhỏ lẻ, một số hộ có điều kiện kinh tế khá đã tập hợp lại theo mô hình hợp tác xã, xây dựng thương hiệu, tạo chỗ đứng tin cậy cho sản phẩm trên thị trường và được người tiêu dùng nhiều nơi chấp nhận.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề sản xuất nước mắm truyền thống, ông Nguyễn Văn Tươi, thôn Xuân Tiến cho biết thêm: Để lấy được niềm tin của khách hàng thì chất lượng nước mắm luôn phải đảm bảo. Hầu hết thị trường nước mắm ở Hải Thanh chủ yếu từ Diễn Châu (Nghệ An) trở ra các tỉnh phía Bắc. Khách hàng sử dụng thấy đảm bảo, uy tín rồi truyền tai nhau. Thương lái cũng tự tìm về đặt hàng sản phẩm. Chất lượng đảm bảo, người tiêu dùng ưa chuộng nên cũng yên tâm sản xuất.Ông Dương Văn Tác, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Do Xuyên - Ba Làng cho biết: “Tất cả các sản phẩm khi đưa ra thị trường tiêu thụ đều được Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế kiểm tra chặt chẽ, khi đủ điều kiện mới được xuất bán. Do vậy, trước thông tin nước mắm nhiễm Asen thì nước mắm sản xuất truyền thống của chúng tôi vẫn bán được, thậm chí là bán được nhiều hơn”.

Khẳng định thêm về vấn đề này, ông Đỗ Xuân Chung cho biết thêm: Thị trường cũng như việc sản xuất nước mắm theo phương pháp truyền thống ở Hải Thanh đến thời điểm hiện tại không bị ảnh hưởng bởi thông tin nước mắm nhiễm Asen. Người tiêu dùng vẫn tin dùng và lựa chọn nước mắm truyền thống. Công tác sản xuất ở địa phương vẫn duy trì, nghề làm nước mắm truyền thống vẫn đang ngày càng phát triển và có chỗ đứng trên thị trường.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT): Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ rà soát, lấy ý kiến để làm rõ thêm một số các quy định hiện hành về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn thực phẩm trong nước mắm, nước chấm, nhất là các phụ gia cho phép sử dụng trong các sản phẩm này, có sự đối chiếu với các quy định quốc tế xem đã phù hợp chưa. Làm rõ sự khác nhau giữa asen hữu cơ và vô cơ trong nước mắm, nghiên cứu các quy định về ngưỡng tồn dư tối đa cho phép. Làm rõ sự khác nhau giữa nước mắm truyền thống và nước chấm công nghiệp. Đặc biệt, sẽ xem xét, làm rõ sự khác nhau giữa nước chấm và nước mắm để minh bạch thông tin cho người dân và thuận tiện cho việc quản lý của cơ quan quản lý nhà nước...

KHÁNH HOA TUẤN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh