Người dân tại Venice (Ý) đối mặt với việc thất nghiệp, lo lắng tìm kế sinh nhai mới
- Y học 360
- 18:09 - 20/03/2020
Các nước Châu Âu đang trở thành tâm dịch covid-19 mới. Trong đó, Ý hiện là ổ dịch lớn thứ hai thế giới với số ca nhiễm bệnh và tử vong liên tục tăng. Chính phủ Ý đã ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc, yêu cầu người dân ở trong nhà và các hoạt động tụ tập đông người đều bị cấm.
Lệnh phong tỏa chưa từng có này đã tác động rất nhiều tới hoạt động giao thương và cuộc sống của người dân nơi đây. Trong đó, cư dân của thành phố Venice, những người chủ yếu dựa vào nguồn thu nhập từ khách du lịch nay phải đối mặt với việc thất nghiệp và sự khó khăn về tài chính.
Thành phố Venice là thủ phủ của vùng Veneto và Venezia thuộc Đông Bắc nước Ý. Nơi đây nổi tiếng với vẻ đẹp lãng mạn và lối kiến trúc cổ kính từ thời Trung Cổ. Ước tính mỗi ngày thành phố này có thể thu hút hàng chục ngàn lượt khách du lịch vào mùa cao điểm. Người dân ở đây hầu hết gắn liền với các hoạt động du lịch và nguồn thu nhập chính của họ thì dựa vào lượng khách tham quan mỗi ngày.
Trước diễn biến dịch bệnh lan nhanh ở Ý, giống như các khu vực khác, toàn bộ thành phố Venice bị phong toả. Từ nhà hàng, quán bar, cho tới các khách sạn đều đóng cửa. Tất cả chuyến bay quốc tế cũng bị hủy bỏ. Không còn khách du lịch trong thị trấn, nỗi lo lắng về vấn đề tài chính của người dân đang bao trùm lên toàn thành phố. Đã có những người phải tìm kiếm công việc khác để giải quyết kế sinh nhai.
Đối với hướng dẫn viên du lịch Stacy Gibboni, có nhiều vấn đề tức thời hơn như việc trả tiền thuê nhà cho tháng sắp tới: “Với tôi, Venice luôn là một thành phố tuyệt vời. Ở đây, tôi có thể kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống nhờ việc hướng dẫn cho các đoàn khách tham quan.
Tuy nhiên, bây giờ công việc của tôi đã chẳng còn, hay nói cách khách là tôi đang thất nghiệp do các lệnh cấm du lịch. Chắc chắn, khách du lịch sẽ quay trở lại Venice trong tương lai, nhưng tôi không biết được khi nào điều đó sẽ xảy ra, vì vậy tôi đang phải tìm kiếm công việc mới để đảm bảo kế sinh nhai cho mình”, cô chia sẻ.
Tương lai dường như còn không chắc chắn hơn đối với Gloria Astolfo, nhà chế tạo trang sức thủ công bằng thủy tinh. “Ban đầu, tôi đã đóng cửa xưởng sản xuất và cửa hàng của mình do lo ngại về sức khỏe của nhân viên bởi họ thường xuyên phải di chuyển tới chỗ làm bằng xe buýt mỗi ngày.
Mặc dù chúng tôi có một quỹ đặc biệt sẽ chi trả tiền lương ba tháng cho nhân viên như một kiểu trợ cấp thất nghiệp, nhưng thật lòng mà nói, tôi có thể sẽ phải đóng cửa do những hóa đơn ngày một chồng chất. Tôi đã khuyên nhân viên của mình nên đi tìm một công việc khác. Tôi chắc chắn rằng cuộc khủng hoảng này sẽ kéo dài lâu hơn là chúng ta đã nghĩ và sau đó mọi người sẽ không muốn đi du lịch trong một thời gian dài do tâm lý lo sợ. Và công việc kinh doanh của tôi, giống như tất cả người dân ở Venice, phụ thuộc hoàn toàn vào du lịch, vì vậy đây không khác gì là một thảm họa.”
Đối với Roberto Meneghetti, người đã nghỉ hưu và thu nhập bổ sung dựa vào việc cho thuê nhà nghỉ cho khách du lịch thì việc dừng kinh doanh là tất yếu. “Không có khách du lịch và không có ai đặt phòng trong tương lai, tôi không thể làm gì khác ngoài việc đóng cửa căn hộ. Và tôi sẽ sớm phải bán lại chúng để thu lại khoản đầu tư của mình,” ông nói một cách tiếc nuối.
Bên cạnh những lo lắng, nhiều người dân vẫn bày tỏ hy vọng về những chuyển biến tích cực hơn của dịch bệnh và niềm lạc quan về sự phục hưng của ngành du lịch tại Venice trong tương lai.
Mario di Martino, người sở hữu chuỗi phòng triển lãm về nghệ thuật đương đại cũng lo lắng rằng việc đóng cửa tạm thời các bảo tàng và phòng triển lãm sẽ khiến ông gặp nhiều khó khăn về vấn đề tài chính.
Tuy nhiên ông vẫn bày tỏ sự lạc quan về những diễn biến tích cực hơn trong thời gian tới. “Thành phố đã "khô cạn vì Covid-19, nhưng tôi sẽ không rời bỏ quê hương. Tôi hy vọng mọi chuyện sẽ sớm được giải quyết và tất cả hoạt động trở về quỹ đạo của chúng. Việc hoãn tổ chức các chương trình nghệ thuật quan trọng sẽ góp phần kiểm soát dịch bệnh. Sau khi mọi thứ trở lại bình thường, Venice chắc chắn sẽ lại náo nhiệt bởi sức hút từ vẻ đẹp của nó.”
Gabrielli kế thừa quyền điều hành chuỗi khách sạn tại Venice. Các khách sạn này đã tạm dừng hoạt động từ tháng 12/2019 để cải tạo chất lượng sau trận lụt năm ngoái. Cô cho biết: “Đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch, triển vọng rõ ràng là rất khó khăn. Mặc dù bây giờ chúng tôi đã phải tạm dừng việc cải tạo vì dịch covid-19 nhưng tôi vẫn có niềm tin vào tương lai du lịch ở Venice.
Tôi tự tin rằng chúng tôi sẽ sớm trở lại bình thường. Thành phố độc đáo này rất đẹp, đặc biệt đến nỗi khách du lịch sẽ quay lại sớm và chúng tôi đang thực hiện các chương trình quảng bá để bảo vệ tương lai cho Venice".
Một số nhà hàng và khách sạn vẫn đang cố gắng duy trì hoạt động. Raffaele Alajmo, hiện vẫn đang duy trì hoạt động của quán Caffè Quadri sang trọng trên quảng trường Saint Mark cùng với anh trai Massimiliano, một đầu bếp nổi tiếng được gắn sao Michelin. “Nếu bạn hỏi tôi về tương lai, tôi chỉ có thể nói rằng tôi hoàn toàn không có ý kiến gì. Tại Venice, chúng tôi đang cố gắng hết sức, tuân theo các hướng dẫn của chính phủ để cố gắng ngăn chặn virus, mặc dù những tổn thất về mặt tài chính là khá nghiêm trọng.
Cùng với các nhà hàng ở Paris và Morocco, chúng tôi có tổng cộng 220 nhân viên và chúng tôi quyết tâm không để bất kỳ ai trong số họ phải nghỉ việc. Thật khó để đưa ra đánh giá về các giải pháp trong khi mỗi quốc gia phản ứng khác nhau với cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, tôi tin rằng ngay khi lệnh hạn chế đi lại được dỡ bỏ, khách du lịch sẽ nhanh chóng quay lại Venice bất cứ khi nào có thể".
Theo The Guardian