CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:13

Người dân phải được khám, chăm sóc sức khỏe ngay từ đầu

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với một người dân khám bệnh tại trạm y tế xã Minh Đức, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp xuống thăm trạm y tế xã Minh Đức, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Mong được khám, phát hiện bệnh sớm

Hiện 8 cán bộ y tế của trạm cùng mạng lưới cộng tác viên đảm nhận công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho khoảng 12.000 người dân.

Phó Thủ tướng hỏi chuyện anh Nguyễn Văn Bắc, ở thôn Đanh, có mặt tại trạm y tế. Anh Bắc cho biết được khám định kỳ, tư vấn ngay từ đầu là mong muốn không chỉ của gia đình anh mà còn là của rất nhiều người dân trong xã.

Trò chuyện với Phó Thủ tướng, trưởng trạm Hoàng Văn Tuân bày tỏ khó khăn nhất hiện nay là các dịch vụ kỹ thuật được BHYT thanh toán còn thấp nên nhiều bệnh hoàn toàn có thể chữa được ở xã nhưng người dân vẫn phải lên huyện.

“Nếu được giao thêm công việc thăm khám định kỳ, chăm sóc, tư vấn sức khỏe ban đầu cho người dân thì chúng tôi hoàn toàn có thể đảm nhận được. Mỗi người dân được theo sức khỏe sát hơn, từ đó trạm có thể tổ chức các đợt khám chuyên khoa về mắt, huyết áp hay tim mạch, xương khớp. Không chỉ là thêm việc, thêm thu nhập, nâng cao trình độ, chuyên môn mà người dân sẽ tin tưởng hơn, đến với trạm nhiều hơn”, bác sĩ Hoàng Văn Tuân khẳng định với Phó Thủ tướng.

 

Phó Thủ tướng xem một sổ ghi chép các trường hợp đến khám tại trạm y tế xã Minh Đức. Ảnh: VGP/Đình Nam

  

Không để có trạm, có bác sĩ nhưng dân không đến

Báo cáo thêm với Phó Thủ tướng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang Ong Thế Viên cho biết hiện địa phương có 230/230 trạm y tế xã có máy tính kết nối để thanh quyết toán với cơ quan BHYT hàng ngày, được trang bị máy siêu âm. Một số trạm có thêm máy xét nghiệm sinh hóa cơ bản, điện tim...
Đã có 203 trạm y tế được giao tổ chức quản lý và điều trị ngoại trú, cấp thuốc hằng tháng cho gần 10.000 người bị bệnh tăng huyết áp. Cùng với đó, tỉnh triển khai thí điểm quản lý bệnh nhân đái tháo đường tại tuyến xã với 6 trạm trong năm 2016 và dự kiến tăng thêm 15 trạm trong năm 2017. Ngoài ra, toàn bộ 230/230 trạm y tế đều tổ chức quản lý cấp phát thuốc cho bệnh nhân động kinh, tâm thần.

Hiện tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ y tế tuyến xã đạt mức 0,9-0,92 lượt khám/người/năm. Tất cả các trạm y tế đều lập danh sách, sổ khám sức khỏe cho người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên, tổ chức khám sức khỏe ít nhất 1 lần/năm, tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 98%;  100% phụ nữ có thai được chăm sóc theo đúng quy định.

Khó khăn của y tế tuyến xã ở Bắc Giang chủ yếu do kinh phí dành cho hoạt động khám, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân rất hạn hẹp, chỉ vào khoảng 18 triệu đồng.

Nguồn quỹ BHYT dành cho trạm y tế xã thấp (không quá 20% quỹ khám chữa bệnh ngoại trú dành cho số thẻ BHYT đăng ký ban đầu tại trạm) dẫn đến tình trạng càng triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật thì càng vượt quỹ và không được thanh toán. Do đó không khuyến khích được việc phát triển và cung cấp dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân.

“Thực tế nhiều người dân rất muốn được cấp phát thuốc điều trị các bệnh mãn tính như huyết áp, đái tháo đường, tim mạch… ngay tại xã để đỡ mất công lên bệnh viện huyện cách đó 30-40 km. Cùng với đó, nếu thực hiện quản lý sức khỏe cho từng người dân thì chúng tôi sẽ nắm được tình trạng sức khỏe và khuyến khích người dân đến khám, điều trị tại trạm y tế xã”, ông Viên trao đổi và cho rằng cần có cơ chế mới về tài chính để triển khai thêm nhiều dịch vụ kỹ thuật tại tuyến xã tránh tình trạng “dù cơ sở có, cán bộ có nhưng không làm được”.

 

Cán bộ y tế trạm đề đạt nguyện vọng với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: VGP/Đình Nam

  

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đề nghị được triển khai ngay kế hoạch quản lý sức khỏe cho từng người dân, trước mắt sẽ làm trước ở thành phố Bắc Giang và 1 huyện.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Bùi Văn Hải khẳng định: “Việc lập sổ y bạ điện tử cho từng người dân chắc chắn tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho người dân khi đi khám bệnh. Nhưng chúng ta phải tính toán kỹ về nội dung, các chỉ số ban đầu để khi lập hồ sơ xong thì phải sử dụng hiệu quả, tận dụng tối đa ưu thế của công nghệ thông tin”.

Giải đáp kiến nghị của tỉnh Bắc Giang, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết thời gian qua, các cơ quan này đã triển khai nhiều việc chuẩn bị cho kế hoạch thực hiện quản lý sức khỏe từng người dân gắn với chăm sóc sức khỏe toàn dân, phát triển BHYT toàn dân.

Người dân cần nhất là được khám, kiểm tra, tư vấn sức khỏe

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ủng hộ đề xuất của Bắc Giang triển khai thăm khám định kỳ, tư vấn, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho mọi người dân và đề nghị tỉnh cần tham khảo kinh nghiệm, cách làm tại Bắc Ninh, Phú Thọ.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần phân định rõ 2 việc khi triển khai kế hoạch thực hiện chăm sóc sức khỏe cho từng người dân. Thứ nhất là thăm khám, kiểm tra định kỳ; thứ hai là lập hồ sơ sức khỏe điện tử.

Cụ thể, việc lập hồ sơ, bệnh án, sổ y bạ điện tử là công việc của các cơ quan quản lý Nhà nước (y tế, BHXH) và phải làm rất thận trọng, lâu dài, với nhiều giải pháp kỹ thuật phức tạp để xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ, bao gồm cả kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, quá trình điều trị bệnh. Làm được điều này sẽ có tác dụng rất lớn, phục vụ việc quản lý mô hình bệnh tật của Bộ Y tế.

“Nhưng đối với người dân, nhất là những người nghèo, chưa bao giờ đi khám, thì mối quan tâm chủ yếu là được khám, sàng lọc,phát hiện bệnh sớm để chữa từ đầu thay vì chỉ có bệnh mới đi khám và phát hiện ra bệnh thì đã nặng rồi. Hay nhiều người già không được khám mắt nên phải chấp nhận mắt bị mờ đi như một quy luật. Và thứ đầu tiên người dân cần là những chỉ số sức khỏe rất căn bản như nhóm máu, siêu âm tổng thể, khám lâm sàng… có vấn đề gì không”, Phó Thủ tướng nói.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, sáng 12/3. Ảnh: VGP/Đình Nam 


Không chỉ có vậy, Phó Thủ tướng nêu tiếp thực tế ghi nhận tại nhiều lần đi thăm các trạm y tế xã là tình trạng các bệnh nhân bị bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch, hiện chiếm 70% tổng chi phí y tế, vẫn phải lên bệnh viện tuyến trên để lấy thuốc, khám định kỳ thay vì đến trạm y tế xã trong khi các bệnh này khám xong đều có phác đồ điều trị ổn định.

Đây là vấn đề mà theo Phó Thủ tướng tưởng chừng đơn giản, nhưng lại khó tới mức 10 năm nay Bắc Giang đã giao cho trạm y tế xã quản lý bệnh nhân huyết áp nhưng mô hình này không nhân rộng được ra cả nước.

“Chúng ta đầu tư cho y tế xã cũng rất khang trang nhưng triển khai sao khó khăn thế? Bởi vì chính sách BHYT không chi cho việc phòng bệnh, rồi hạn mức chi thấp nên dù xây trạm, có máy móc, có bác sĩ nhưng người dân không đến. Trong khi Luật BHYT có quy định phải xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả là những dịch vụ thiết yếu để chăm sóc sức khoẻ”, Phó Thủ tướng nhận xét.

Có mặt tại cuộc làm việc, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký văn bản về gói dịch vụ y tế cơ bản.

“Người dân, nhất là những người nghèo, những người chưa khám sức khỏe bao giờ, luôn mong có bác sĩ cơ sở để được khám, được tư vấn, chăm sóc sức khỏe ngay từ đầu chứ không phải là được lập hồ sơ sức khỏe điện tử”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 


CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh