THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:50

Người dân lưu vực sông Gianh - Quảng Bình "kêu cứu" nước sinh hoạt bị nhiễm mặn

Hàng chục năm nay, người dân xã Quảng Thanh thường xuyên phải đối diện với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, bởi nguồn nước sạch ngày trở nên khan hiếm. Điều họ mong chờ nhất lúc này chính là những trận mưa kéo dài, bởi khi trữ lượng nước mưa trong bể chứa đã cạn kiệt họ chỉ còn cách đi mua nước sạch để dùng với chi phí không hề nhỏ.

Xã Quảng Thanh hiện có 1.224 hộ, với 4.806 nhân khẩu đang sống trong tình trạng khô khát vì thiếu nước sạch. Đặc biệt ở thôn Tân An hầu hết người dân phải mua nước sạch từ nơi khác tới bán. Nguồn nước giếng của các hộ gia đình trong xã đều bị nhiễm mặn và nhiễm phèn, không thể sử dụng được.

Quảng Bình: Dân bên lưu vực sông Gianh "kêu cứu" nước sinh hoạt - Ảnh 1.

Người dân phải mua nước sạch từ nơi khác

Chứng kiến cảnh bà con nơi đây chắt chiu từng giọt nước mới thấu hiểu được những vất vả của họ khi luôn phải đối mặt với cơn khát nước sạch triền miên. Ông Vũ Cường người dân địa phương cho biết: "Vùng đất này nói về nguồn nước thì dồi dào lắm, vì nó nằm bên lưu vực sông Gianh. Nhưng nước sông Gianh không dùng cho sinh hoạt được do nhiễm mặn. Để phục vụ cho cuộc sống chúng tôi phải dùng nước mưa hoạc mua nước vùng khác về nhưng với giá cao".

Anh Lê Quang Hòa, ở xóm 4, Tân An than thở: "Vào mùa khô, nhu cầu sử dụng nước sạch là rất lớn. Cả gia đình tôi gồm 4 người phải tiết kiệm từng giọt nước mưa để sử dụng trong những ngày nắng nóng. Năm nay nắng mãi, ít mưa nên bể đã khô cạn. Gia đình tôi có làm bánh đa nem nên nhu cầu nước sạch rất lớn, khoảng 5 ngày tôi mua 1 xe nước họ chở từ thôn Pháp Kệ xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch sang bán với giá 200 ngàn đồng. Như vậy 1 tháng trung bình tôi phải mua hơn 1,2 triệu tiền nước.”

Thôn Tân An, xã Quảng Thanh có 374 hộ với 1.400 nhân khẩu hầu hết làm nghề bánh, bún truyền thống nên nhu cầu sử dụng nước sạch là rất lớn và rất cần thiết.

Ông Nguyễn Văn sương, xóm 2, thôn Tân An bức xúc nói: "Gia đình tôi chuyên làm bánh truyền thống có thể nói là lớn nhất nhì làng này. Nguồn nước phục vụ công việc làm bánh đều phải mua, ước tính mỗi tháng phải mất hơn 6 triệu tiền nước sạc mới đủ sử dụng.

Ông Ngô Trọng Bình trưởng thôn Tân An cho biết: “ Để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày chúng tôi tự xây bể trữ nước mưa để dùng, nhưng nắng nóng kéo dài nước dự trữ không thể đủ. Bình quân 1 tháng người dân cả thôn phải bỏ ra khoảng gần 70 triệu đồng để mua nước sinh hoạt, chưa kể những hộ làm bún, bánh phải chi phí nhiều hơn”.

Trớ trêu thay, Quảng Thanh nằm cách Thị xã Ba Đồn khoảng 4km. Đường ống nước sạch từ Rào Nan đưa về phục vụ người dân Thị Xã đi sát địa phương, nhưng người dân xã này vẫn không được sử dụng.

Ông Ngô Thanh Bình – Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh cho biết: Để hiện chính sách lâu dài giúp người dân có nguồn nước sạch không thể dựa vào các bể nước mưa dự trữ. Bởi vậy chính quyền và nhân dân xã rất mong cấp, ngành chức năng tạo điều kiện giúp đỡ.

DOÃN ĐẠT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh