THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:56

Người dân lơ là, chủ quan sẽ khiến Hà Nội "trả giá" đắt

Theo ghi nhận của phóng viên, tối 21/9 (Rằm tháng Tám âm lịch), người dân Hà Nội từ nhiều nơi dồn về các tuyến phố trung tâm vui Tết Trung thu, khiến những tuyến phố lớn ùn tắc cục bộ. Lực lượng chức năng đã lập nhiều rào chắn tại các tuyến phố: Hàng Mã, Hàng Đường, Đồng Xuân... Tuy nhiên, do lượng người quá đông nên rào chắn bị vô hiệu hóa.

Người dân lơ là, chủ quan sẽ khiến Hà Nội "trả giá" đắt - Ảnh 1.

Tối 21/9, người dân Hà Nội đổ ra đường, tụ tập đón Rằm Trung thu như chưa hề có Lệnh giãn cách phòng, chống dịch Covid-19

Đây là biểu hiện cho thấy người Hà Nội đang chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch, khi thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế nhiều hoạt động nơi công cộng theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ thị số 22/CT-UBND của UBND TP.Hà Nội ban hành tối 20/9 nhấn mạnh: Mọi cá nhân và các tổ chức tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch. Tuyệt đối không được chủ quan trong khi thành phố dần nới lỏng các hoạt động để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên "nới lỏng" các biện pháp phòng, chống dịch đã xuất hiện tâm lý chủ quan của nhiều người. Ngay từ sáng sớm 21/9, nhiều người đã đi tập thể dục, đạp xe đạp… đến tầm khoảng 7 - 9h, hiện tượng kẹt xe đã tái diễn trên nhiều tuyến phố của Hà Nội.

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguy cơ dịch bệnh tại Hà Nội vẫn còn rất cao. "Chúng ta không thể khẳng định đã loại trừ được hết tất cả ca F0 tại cộng đồng, vẫn có những trường hợp lẩn khuất chưa được phát hiện. Về ổ dịch vừa qua tại quận Long Biên khi bùng phát nhiều ca F0 là một ví dụ. Vì vậy, tất cả người dân không nên chủ quan. Mặc dù nới lỏng giãn cách nhưng người dân không nên ra đường khi không có việc thực sự cần thiết. Đặc biệt, trong lúc này mọi người càng phải cảnh giác cao độ. Vì chỉ cần trong đám đông những người đổ ra đường trong đêm Trung thu có 1 F0 thì sẽ dễ lây lan, không biết ai lây cho ai. Điều này gây khó khăn trong việc truy vết, xác định các ổ dịch mới và phòng chống dịch. Đây cũng là bài học cảnh báo về sự nguy hiểm của tâm lý xả hơi sau giãn cách",  TS. Trần Đắc Phu nói.

PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, mặc dù thành phố nới lỏng các hoạt động, dịch vụ nhưng việc thực hiện 5K là rất quan trọng. Nếu để lây nhiễm trong những hoạt động vui chơi, tập trung đông người là điều cực kỳ tai hại. Khi để lây nhiễm, dịch bệnh bùng phát lại thì thành phố buộc phải giãn cách, siết chặt lại. Đây chắc hẳn là điều không ai mong muốn.

Do đó ông Nga đề nghị người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời chính quyền cần giám sát chặt những địa điểm, tụ điểm đông người. Cần tiếp tục có những cảnh báo để người dân biết việc nguy hiểm ra sao nếu tập trung đông người.

"Trước mắt, sau khoảng 3 - 4 ngày từ đêm Trung thu, nếu ai có triệu chứng ho sốt thì cần liên hệ ngay các cơ sở y tế. Người dân cần đi khám, xét nghiệm sớm khi nghi ngờ về tình trạng sức khoẻ. Còn nếu sợ tập trung đông người thì có thể mua kit test nhanh về làm tại nhà. Đồng thời,  thành phố cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bao phủ vaccine toàn dân", ông Nga nói.

Đến nay, Hà Nội đã tiêm vaccine cho trên 5 triệu người dân toàn TP, chiếm 60% dân số và bằng 80% người dân trong độ tuổi tiêm chủng trên 18 tuổi. Tuy nhiên, theo cảnh báo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), người được tiêm đầy đủ vaccine Covid-19 vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo những người đã tiêm chủng tiếp tục phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh lây nhiễm, trong đó việc tuân thủ nghiêm các quy định của thành phố và ngành y tế là hết sức quan trọng.

ĐỨC ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh