Người dân lơ là, chủ quan không đeo khẩu trang
- Y học 360
- 14:48 - 10/11/2020
Đeo khẩu trang là biện pháp được nêu đầu tiên trong thông điệp 5K của Bộ Y tế để chủ động phòng, chống dịch Covid-19. Đây là biện pháp phòng ngừa quan trọng và cần thiết nhất nhưng vẫn còn không ít người đeo khẩu trang chỉ như một cách đối phó.
Tại TP.HCM, dù UBND thành phố đã yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành cũng như các quận, huyện, phường, xã tiếp tục triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó, người dân khi đi ra đường phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang. Thế nhưng, nhiều người dân vẫn chưa tuân thủ việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Có nhiều lý do cho việc không đeo khẩu trang nhưng tựu chung là tâm lý chủ quan cho rằng, bệnh dịch đã được kiểm soát, chỉ cần đeo khẩu trang ở nơi đông người.
Bắt đầu từ ngày 15/11, thời điểm Nghị định 117 chính thức có hiệu lực, nếu ai không đeo khẩu trang sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng, mức phạt tăng gấp 10 lần so với quy định hiện nay. Quy định này được đánh giá là rất cần thiết bởi nguy cơ dịch Covid-19 quay lại luôn thường trực, nhất là ở những thành phố có mật độ dân số lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Tính từ đầu tháng 8/2020 đến cuối tháng 10, các lực lượng chức năng của TP.HCM đã xử phạt hơn 4.000 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng với số tiền phạt là hơn 800 triệu đồng. Điều này cho thấy, vẫn còn một bộ phận người dân chưa ý thức được tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang, đồng nghĩa với việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 vẫn còn nhiều thách thức.
Ghi nhận tại các tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), từ khi có yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, đã có 13 chốt được lập gồm lực lượng công an, y tế chủ yếu để vận động, nhắc nhở cũng như xử lý các trường hợp cố tình vi phạm. Hơn 1 tháng qua, tại khu vực quận Hoàn Kiếm đã có hơn 500 người bị phạt hành chính với mức 200.000 đồng/lần vi phạm.
Còn tại khu vực chợ dân sinh, hầu như người bán hàng không đeo khẩu trang trong quá trình chế biến thực phẩm và bán hàng. Theo quy định, người bán hàng cũng như người phục vụ phải đeo khẩu trang hoặc tấm chắn giọt bắn nhưng thực tế, không phải hàng quán nào cũng thực hiện đúng theo hướng dẫn, ngay cả quy định về khoảng cách.
Không đeo, có đeo nhưng kéo xuống... chiếc khẩu trang vô tình trở thành vật đối phó của một số người có tâm lý chủ quan với dịch bệnh.