CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:54

Người dân giao dịch thế nào sau khi sổ hộ khẩu bị thu hồi

Người dân giao dịch thế nào sau khi sổ hộ khẩu bị thu hồi - Ảnh 1.

Người dân đi làm căn cước công dân

Theo Bộ Công an, Luật Cư trú năm 2020 cơ bản kế thừa quy định của luật hiện hành, đồng thời sửa đổi, bãi bỏ, làm rõ hơn các quy định trước đây nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân.

Cùng với đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới; đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú; đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú mà trọng tâm là xây dựng, quản lý cư trú qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Khác với luật hiện hành, Luật Cư trú năm 2020 quy định thay thế việc đăng ký, quản lý thường trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin. Theo đó, lực lượng cảnh sát quản lý cư trú sẽ sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thông tin về nơi thường trú của mỗi công dân là trường thông tin dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú. Do đó, việc đổi mới phương thức quản lý theo hướng này giúp công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện TTHC hoặc tham gia giao dịch dân sự mà chỉ cần mang theo CCCD hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện.

Thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu giấy là mục tiêu quan trọng nhất của dự án. Với tiến độ hiện nay, dự kiến đến 1/7 có thể hoàn thiện hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giai đoạn hai và vận hành một cách đồng bộ.

Nếu hệ thống này vận hành, người dân không cần phải cầm quyển sổ hộ khẩu giấy đi giao dịch, vì tất cả thông tin cư trú được cập nhật trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mỗi công dân có một mã số định danh, một tệp hồ sơ riêng, cảnh sát chỉ cần tra họ tên trên máy tính để xem xét, hoàn thiện hồ sơ. Thậm chí, người dân có thể ngồi tại nhà khai báo thủ tục cư trú trực tuyến…

Hiện nay, Bộ Công an cũng đang triển khai cấp thẻ CCCD gắn chíp. Đây là bước tạo điều kiện cho chính quyền điện tử hoạt động.

Việc quản lý cư trú theo phương thức mới bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ có nhiều thuận lợi đối với công dân và cơ quan quản lý nhà nước.

Trước hết, đối với người dân, việc quản lý cư trú theo phương thức mới, công dân được giảm TTHC liên quan đến đăng ký cư trú, như được bỏ hoàn toàn 7 thủ tục: Cấp đổi; cấp lại sổ hộ khẩu; cấp giấy chuyển hộ khẩu; cấp đổi; cấp lại sổ tạm trú; điều chỉnh những thay đổi trong sổ tạm trú; gia hạn tạm trú. Công dân được giảm chi phí khi thực hiện TTHC liên quan (như chi phí sao y chứng thực), cấp, cấp đổi, cấp lại các giấy tờ có liên quan nếu bị mất, hỏng…Điều này không chỉ tạo điều kiện cho người dân mà còn tiết kiệm một khoản tiền không nhỏ cho cả xã hội.

"Công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã có trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi làm thủ tục hành chính hoặc giao dịch dân sự, chỉ cần mang theo thẻ căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng. Công dân được giảm chi phí sao y chứng thực, cấp, cấp đổi, cấp lại các giấy tờ có liên quan nếu bị mất, hỏng...", lãnh đạo Cục Pháp chế (Bộ Công an) phân tích.

Cũng theo Cục Pháp chế, khi "số hóa dữ liệu", thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước xác nhận, công dân không phải phụ thuộc vào nơi cư trú của mình.

Cơ quan nhà nước sẽ nâng cao hiệu quả quản lý về dân cư và giảm thiểu chi phí để lưu trữ khối lượng hồ sơ, tăng cường công khai các thủ tục hành chính, thủ tục hành chính công qua mạng...

Bộ Công an cũng đã hoàn thành việc thu thập thông tin dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng từ trung ương đến địa phương (cấp xã, phường, thị trấn) và bước đầu triển khai một số dịch vụ tra cứu, khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu. Bộ Công an đang gấp rút kết nối, chia sẻ thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, hoàn thiện các phương thức khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Từ ngày 1/7, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ sẵn sàng kết nối với tất cả cơ sở dữ liệu chuyên ngành khi cơ sở dữ liệu chuyên ngành đó đủ điều kiện. Hiện tại đã có một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành sẵn sàng kết nối như: Văn phòng Chính phủ (Cổng dịch vụ công quốc gia); Bộ Thông tin và truyền thông; Bộ Tài chính (mã số thuế); Bộ Tư pháp (cấp số định danh cá nhân cho trẻ em); Bảo hiểm xã hội Việt Nam và 63 UBND các tỉnh, thành phố.

CT (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh