Người dân châu Á – Thái Bình Dương ‘bạo tay’ chi tiêu cho ngày Valentine
- Tây Y
- 18:58 - 15/02/2019
Cụ thể, tổng chi tiêu trong dịp lễ Valentine đã tăng 33% kể từ năm 2016, với tổng số giao dịch mua sắm tăng 37%. Trong khi đó, chi tiêu của người dân Mỹ cho ngày Valentine giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.
Top 3 thị trường Châu Á có sự gia tăng chi tiêu cao nhất là: Trung Quốc (88%); Nhật (68%) và Hồng Kông (62%)
Điều thú vị là nhiều người dân Châu Á luôn đợi phút cuối để mua quà, với 29% thực hiện giao dịch mua sắm vào đúng ngày 14/2. Việc này cũng có thể cho thấy rằng nhiều người tiêu dùng Châu Á mua quà tại cửa hàng (86%) hơn là qua mạng (10%).
Thị trường quà tặng ngày Lễ Tình nhân (Valentine 14/2) rất sôi động
Trong ngày 14/2 vừa qua, thị trường quà tặng ở Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác rất đa dạng với hàng chục nghìn chủng loại quà, phổ biến nhất là thiệp, hoa, chocolate, sản phẩm công nghệ… Một số món hàng cao cấp như nữ trang, mỹ phẩm và đồ thời trang “hàng hiệu” cũng được giới thiệu ra thị trường. Lượng người mua hàng tăng gấp nhiều lần so với bình thường.
Một điểm đáng lưu ý nữa là, người dân châu Á vẫn tin rằng một trong những con đường nhanh nhất để chinh phục người yêu là... ẩm thực. Vào năm 2018, 68% giao dịch trong dịp Valentine được thực hiện tại nhà hàng, tăng 41% trong 3 năm qua. Dẫn đầu là Ấn Độ, với việc gia tăng chi tiêu cho nhà hàng đến 54%. Ghi nhận thực tế vào chiều tối 14/2 tại TP.HCM, hầu hết các nhà hàng, quán cà phê, trà sữa… đều chật cứng. Nhiều nơi khách phải đặt hàng trước 2-3 ngày.
Những món quà ý nghĩa và lãng mạn chuyển tải thông điệp yêu thương được nhiều người săn lùng
Người dân Châu Á vẫn muốn làm người mình yêu hạnh phúc với những trải nghiệm khó quên. Dữ liệu cho thấy số giao dịch cho khách sạn tăng 27%; tại hai quốc gia Trung Quốc và Ấn Độ, giao dịch khách sạn tăng 142% và 73% tương ứng. Trong khi đó, tại TP.HCM, hầu hết các khách sạn mini, nhất là những “khách sạn tình yêu” được bài trí theo phong cách lãng mạn, đều “cháy phòng”.
Về khoản chi tiêu cho du lịch, Philippines đạt mức tăng kỷ lục 164% trong năm 2018; Australia cũng có sự gia tăng đáng kể - 66%.
Không chỉ là những món quà mang tính "tượng trưng", mà trên thị trường năm nay còn xuất hiện những món quà có giá trị lớn
Chi tiêu cho các món quà truyền thống, như hoa và trang sức tiếp tục tăng trưởng. Điều này cho thấy các mặt hàng này tiếp tục là biểu trưng mạnh mẽ cho tình yêu và sự lãng mạng tại châu Á. Trong đó, chi tiêu cho hoa tăng đều đặn ở mức xấp xỉ 90%, trang sức tăng 32% kể từ năm 2016.
“Chỉ số Tình yêu” của Mastercard phân tích các giao dịch chi tiêu qua thẻ tín dụng, ghi nợ và trả trước trong 3 năm gần đây (từ ngày 11-14/2). Các chi tiêu này được phân bổ theo các hạng mục: nhà hàng, khách sạn, du lịch, sách và đĩa nhạc, trang sức và văn phòng phẩm.