Người dân cần cảnh giác với dịch sốt xuất huyết
- Y học 360
- 08:16 - 20/10/2022
Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao với 760 ca mắc, 1 trường hợp tử vong. Số mắc tăng 38,9% so với tuần trước (547 ca). Bệnh nhân ghi nhận tại 29 quận/huyện, trong đó tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện như: Bắc Từ Liêm (58), Thanh Oai (58), Đống Đa (55), Đan Phượng (50), Hà Đông (50), Thường Tín (50), Thanh Trì (41), Nam Từ Liêm (37).
Từ đầu năm đến ngày 16/9, Hà Nội ghi nhận 3.023 ca mắc SXH, 4 trường hợp tử vong. Số ca mắc tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2021 (668 mắc, 0 tử vong). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện; 395/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp virus Dengue lưu hành là Dengue 1 và Dengue 2, Dengue 4.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 6.779 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2011, 5 trường hợp tử vong. Còn cả nước, theo số liệu mới nhất của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính trong tuần qua ghi nhận 9.750 ca mắc, có 1 trường hợp tử vong ở Bình Dương. Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 258.480 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 102 trường hợp tử vong (tăng 81 trường hợp tử vong so với năm 2021).
Các bác sĩ khuyến cáo, khi người dân mắc sốt xuất huyết cần lưu ý các biểu hiện của giảm tiểu cầu. Ở thể nhẹ, người bệnh có thể xuất huyết trên da ở cẳng tay, cẳng chân, nách, ngực, thắt lưng… Ở thể trung bình, người bệnh có thể xuất huyết niêm mạc như chảy máu chân răng, cháy máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài có phân đen hoặc máu, đi tiểu ra máu. Ở nữ có thể có kinh nguyệt kéo dài hoặc đến sớm hơn kỳ hạn. Khi có hiện tượng trên, cần đến ngay cơ sở y tế, tránh tình trạng đến viện muộn.