THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:47

Người dân Cà Mau bất an vì nhiều tuyến đường sụt lún nghiêm trọng

Thông tin trên báo Giao thông, tại nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh Cà Mau như: Co Xáng - Cơi 5 - Đá Bạc, đường về trung tâm xã Trần Hợi, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, đường phòng hộ đê biển Tây, đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc... xuất hiện nhiều vị trí sụt lún nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông, khiến cho việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Vị trí sụt lún gần đây nhất, được ghi nhận vào lúc 22h20 ngày 7/4, tại lý trình Km 13+900 thuộc tuyến đường Co Xáng - Cơi 5 - Đá Bạc (cách cầu Co Xáng khoảng 300m về hướng cầu Cơi 5) xảy ra sụt lún hoàn toàn mặt đường với chiều dài khoảng 33m, chiều rộng khoảng 8m, độ sâu khoảng 1,5m. Rất may, sự cố không gây thiệt hại về người, còn về tài sản đang được các ngành chức năng thống kê cụ thể.

Trước đó, cũng trên tuyến đường này, xuất hiện 4 vị trí sụt lún tương tự tại lý trình Km 19+250; Km 16+600; Km 19+220; Km 19+00 (đã xảy ra vào các ngày 15/3, 22/3, 29/3 và 6/4). Trong đó, vụ sụt lún vào rạng sáng ngày 22/3 với chiều dài khoảng 50m, độ sâu 2,5m. Tại thời điểm sụt lún có 3 chiếc xe lưu thông, khiến 4 người bị trầy xước nhẹ. Vụ sụt lún này làm cho người dân cảm thấy bất an.

Người dân Cà Mau bất an vì nhiều tuyến đường sụt lún nghiêm trọng - Ảnh 1.

Nhiều tuyến đường bị sụt lún nghiêm trọng.

Chị Nguyễn Thị Thúy (ngụ xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) cho biết, thời gian gần đây, một số tuyến đường xuất hiện sụt lún nghiêm trọng, khiến cho người dân qua lại cũng cảm thấy bất an, dù các vị trí hư hỏng trước đó đã được cơ quan chức năng rào chắn cảnh báo 2 đầu.

"Sụt lún không chỉ xảy ra ban ngày mà còn cả vào ban đêm, khiến người dân đi lại cũng rất lo lắng. Một số vị trí trên tuyến Co Xáng - Cơi 5 - Đá Bạc, đường về trung tâm xã Trần Hợi cũng có xuất hiện những vết nứt dọc, rất nguy hiểm", chị Thúy nói.

Còn anh Nguyễn Minh Hùng (ngụ xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) cho biết, với thực trạng hạn hán kéo dài, có thể sẽ còn nhiều vị trí khác bị sụt lún, dù cơ quan chức năng đã hạn chế phương tiện có tải trọng lớn lưu thông, nhưng do có một số tuyến là đường giao thông huyết mạch, nên lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông là rất đông.

"Khi lưu thông trên một số tuyến đường đã xảy ra sụt lún, tôi cũng có chút lo lắng, và luôn chú ý đến biển cảnh báo của cơ quan chức năng tại một số vị trí có nguy cơ sụt lún tiếp tục.

Thậm chí để bảo đảm an toàn, tôi chịu khó đi đường vòng dù mất thêm chút thời gian, nhưng bảo đảm an toàn", anh Hùng nói và lo lắng, khi mùa mưa bắt đầu tình trạng sạt lở, sụt lún sẽ phức tạp hơn, nên rất mong cơ quan chức năng sớm tìm ra giải pháp khắc phục kịp thời sụt lún để người dân đi lại được an tâm hơn, việc giao thương hàng hóa cũng thuận tiện.

Liên quan đến việc nhiều tuyến đường ở Cà Mau bị sụt lún nghiêm trọng, Nhân dân đưa thông tin, ông Lê Thành Huấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Cà Mau lắc đầu ngao ngán: "Đường sá nham nhở, tan hoang như bãi chiến trường. Mùa mưa bị sụt lún, sạt lở đã đành, giờ mùa hạn cũng không tránh khỏi, riết rồi chẳng thể hiểu nổi".

Người dân Cà Mau bất an vì nhiều tuyến đường sụt lún nghiêm trọng - Ảnh 2.

Kênh rạch khô hạn được xem là một trong những nguyên nhân khiến nhiều tuyến đường bị sụt lún.

Ông Hồ Hoàn Tất, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau, phân tích: "Khi kênh rạch không còn nước sẽ tạo thành vùng rỗng khiến kết cấu các tầng đất phía dưới con lộ dọc kênh khô nước bị yếu và co ngót. Vì vậy, nền đất sẽ không chịu được sức tải của phương tiện giao thông lớn, cũng như các công trình xây dựng kiên cố trên bề mặt dẫn đến sụt lún, phá vỡ kết cấu công trình".

Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau nhận định đến nay, tuyến đê trên ít nhất hai lần bị sụt lún nghiêm trọng, tổng chiều dài 240m, trong đó có khoảng 210m mặt đường bê-tông trên đê sụt lún sâu từ 2-3m và hiện nguy cơ sụt lún các đoạn còn lại.

Mọi công tác khắc phục đang được Cà Mau tiến hành khẩn trương nhằm giải quyết khó khăn trong đi lại, giao thương hàng hóa của người dân. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay trong việc khắc phục sự cố sụt lún là việc vận chuyển máy móc, tập kết vật tư, thiết bị. Bởi kênh rạch khô cạn khiến giao thông thủy tê liệt, trong khi những tuyến đường lớn đã xảy ra sụt lún bị cấm xe lớn lưu thông. Tình cảnh trên nếu không có giải pháp can thiệp hữu hiệu thì vấn nạn sụt lún sẽ còn tái diễn…

XT (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh