CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:16

Nghệ An: Người dân bức xúc vì sinh con thứ 3 phải “tự nguyện” nộp 2 triệu đồng

Người dân xã Khánh Sơn, Nam Đàn đang khốn đốn vì khoản nộp "ít nhất 2 triệu đồng" do sinh con thứ 3 (ảnh Hồng Quân).

Dân nghèo xin giảm tiền “tự nguyện” cũng không được

Xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn có đại đa số người dân sống bằng nghề nông nghiệp. Vị trí địa lý trắc trở, cuộc sống người dân gặp vô vàn khó khăn. Thế nhưng, những năm qua, người dân nơi này phải “tự nguyện” nộp 2 triệu đồng vào khoản kế hoạch hóa dân số… khi sinh con thứ 3, khiến cuộc sống gặp khó khăn hơn.

Theo phản ánh của người dân, khi sinh con thứ 3, gia đình muốn nhận được giấy khai sinh thì phải lên phòng tư pháp xã, trạm y tế rồi tự nguyện nộp 2 triệu đồng, sau đó mới “suôn sẻ” giấy tờ. Còn không, sẽ không được cấp các loại giấy trong đó có giấy khai sinh.

Anh Võ Văn Hà (SN 1970, trú tại xóm 7, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, Nghệ An) phản ánh: “Nói là tự nguyện, nhưng cũng phải nộp 2 triệu đồng mới có giấy khai sinh, gia đình tôi thuộc diện khó khăn xin xã bớt một ít tiền tự nguyện mà họ cũng không cho, họ bảo theo chủ trương cứ nộp ít nhất 2 triệu. Nhiều lần bức xúc vì lên xin giấy khai sinh không được, tôi đã tranh luận gay gắt, to tiếng với cán bộ… nhưng vẫn phải ngậm ngùi nộp 2 triệu đồng”.

Anh Hà bức xúc: “Tự nguyện” mà phải nộp ít nhất 2 triệu không, phải chăng đây là chủ trương bắt buộc mang mác tự nguyện? Để kiếm được 2 triệu đồng nộp phí sinh con thứ 3, dân nghèo như chúng tôi nhiều khi phải đi vay đi mượn, khốn khổ thế là cùng".

Cũng tình cảnh, anh Nguyễn Đức Tuyến (SN 1977, trú tại xóm 11, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn) bức xúc nói: “Không có tiền nộp hoặc xin khất tiền nộp tự nguyện 2 triệu khi sinh con thứ 3, thì cán bộ tư pháp tỏ thái độ rất bức xúc, tôi và nhiều người đã tìm hiểu trên mạng, hỏi luật sư rồi, nhà nước ta đâu có nội dung trên, đâu có chủ trương nộp tự nguyện ít nhất 2 triệu vào chương trình kế hoạch hóa. Thế mà các bác tư pháp bảo theo chủ trương của tỉnh, theo bản cam kết để “tự nguyện” thì vô lý quá. Tôi bằng lòng với việc sinh con thứ 3 là gia tăng dân số chung… nhưng nên tự nguyện nộp phí trên tinh thần đúng là tự nguyện. 

Trong khi đó, chính quyền xã vẫn nhất quán thu ít nhất 2 triệu đồng “tự nguyện” của người vi phạm theo bản cam kết đã kí trước đó khi xã đi vận động.

Hóa đơn thu 2.000.000 đồng tiền "tự nguyện" khi sinh con thứ 3 (ảnh Hồng Quân)

Bản cam kết tự nguyện có hợp lòng dân?

Trao đổi với báo Lao Động, ông Tô Bá Thắng – Chủ tịch UBND xã Khánh Sơn - cho biết: “Năm 2016, trên địa bàn xã có 33 trường hợp sinh con thứ 3 chiếm 19,3%. Để giảm tỉ lệ sinh con thứ 3, xã thực hiện quyết định 43/2015/QĐ-UBND ngày 21.8.2015 của tỉnh Nghệ An, vận động các cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ kí cam kết thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Nếu sinh con thứ 3 trở lên, sẽ phải tự nguyện đóng ít nhất 2 triệu đồng”.

Đồng thời ông Thắng khẳng định, trên tinh thần vận động bà con nhân dân tự nguyện nộp 2 triệu đồng vào chương trình dân số, kế hoạch hóa địa phương chứ không ép buộc dân, dù thế nào cũng phải cấp giấy khai sinh cho dân.

Bản cam kết tự nguyện nộp ít nhất 2.000.000 đồng cho Ban dân số (ảnh Hồng Quân)

Ông Thắng nói: “Thật sự khoản phí áp dụng “ít nhất 2 triệu đồng” cho người nông thôn là quá cao, nông thôn mà bằng thành phố như thế thì gánh sao nổi”.

Ngày 1.6, anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1987), có vợ là Nguyễn Thị Mơ (1989) trú xóm 4 xã Khánh Sơn, Nam Đàn tiếp tục phản ánh: “Nếu là chủ trương của cả nước mà được lòng dân tôi xin nộp để ổn định quỹ dân số, an sinh xã hội… nhưng nếu là của riêng tỉnh Nghệ An thì tôi đề nghị cấp trên nên xem xét lại để hợp lòng dân. Tại sao người nông thôn nộp ít nhất 2 triệu, mà người thành phố cũng ít nhất 2 triệu. Dân đang nghèo lại gánh quá nhiều khoản”.

Ông Dương Đỉnh Sơn – GĐ Trung tâm Dân số huyện Nam Đàn - trao đổi với báo chí rằng: “Việc thu tiền tự nguyện không quy định nhiều hay ít và không ép buộc ai. Số tiền này sẽ được chi vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bà mẹ và trẻ em. Việc thu tiền tự nguyện, cũng không liên quan đến làm giấy khai sinh cho trẻ. Việc có khai sinh cho trẻ là quyền của trẻ em. Để người dân tự nguyện đóng góp, chúng tôi thường xuyên vận động, tuyên truyền, nhắc nhở, thuyết phục để tư vấn tạo sự đồng thuận”.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh