Người cha đơn thân và ước mơ lập ngân hàng sữa mẹ giữa cộng đồng
- Y học 360
- 13:05 - 19/10/2015
Năm 2013, nhờ những nỗ lực không ngừng, dự án ngân hàng sữa mẹ của anh cuối cùng cũng được hiện thực hóa, đến nay đã có trên 2 vạn thành viên.
Ngày vui ngắn ngủi, nỗi đau kéo dài
Anh là Trình Tuấn, sinh năm 1984, tại Nghệ An. Anh từng theo học tại Đại học Bách khoa TP.HCM và sớm nổi tiếng là một trong những sinh viên ưu tú của trường. Là một thành viên của nhóm Robocon BKPro, anh cùng đồng đội đoạt chức Vô địch cuộc thi Robocon châu Á - Thái Bình Dương năm 2006. Sau khi tốt nghiệp, anh sinh sống và làm việc tại TPHCM.
Mối tình của anh bắt đầu chớm nở từ năm 2010 khi anh cùng chị Nguyễn Thị Phượng (SN 1989, quê Thanh Hóa) ở chung một xóm trọ tại quận Gò Vấp, TP.HCM. Ban đầu, hai người có ấn tượng không tốt về nhau nhưng rồi sau đó tình cảm cứ phát triển dần lên theo năm tháng. Và rồi, tình yêu ấy đơm hoa bằng lễ cưới ngọt ngào vào năm 2012. Nhưng như một trò đùa của số phận, hạnh phúc của đôi Vợ chồng trẻ liên tục bị hết tai ương này đến tai ương khác. Tháng 6 năm ấy, anh bị tai nạn ở chân. Vết thương của anh chưa kịp lành thì đến tháng 9, bác sĩ phát hiện cổ tử cung chị bị ngắn, phải nhập viện. Tháng 11, chị bị thiếu nước ối phải nhập viện lần nữa, rồi 4 ngày sau lại phải chuyển viện vì tình hình không cải thiện. Nằm viện được ít lâu, chị xuất hiện dấu hiệu sinh sớm khi thai nhi mới 8 tháng tuổi. Sau 2 ngày nằm viện và hơn 10 tiếng thúc sinh, cuối cùng bé Nguyễn Kim Yến Nhi cũng chào đời an toàn trong niềm vui khôn xiết của đôi vợ chồng trẻ. Những ngày ấy, tuy vất vả, khó khăn nhưng thực sự là những ngày hạnh phúc nhất của anh chị.
Song ngày vui chẳng tày gang, chỉ một tuần sau khi sinh, chị Phượng có dấu hiệu xuất huyết tử cung. Mặc dù các bác sĩ đã cắt bỏ tử cung của chị để cầm máu nhưng chị vẫn hôn mê sâu và ra đi vĩnh viễn. Không có người chăm nom và bận rối bời lo hậu sự cho vợ, con gái bé bỏng và yếu ớt của anh chị đã được gửi vào Bệnh viện Từ Dũ nằm lồng kính. Phải hơn một tuần sau, anh mới có thể đón cháu về nhà.
Những ngày gian nan tìm sữa
Đón con từ Bệnh viện Từ Dũ trở về, lòng anh Tuấn đau như cắt. Đứa con bé bỏng còn chưa kịp quen hơi thì đã mất mẹ. Nhìn con khóc rồi mút ngón tay vì đói, anh tự hứa với lòng sẽ chăm sóc con thật tốt và nuôi dạy con nên người với tất cả tình thương.
Tuy bộn bề lo toan nhưng điều làm anh Tuấn lo sợ nhất vẫn là nguồn sữa cho con bú. “Thật may mắn là trước đó, một số người bạn đã xin sữa mẹ đông lạnh giúp tôi nên khi về nhà, bé Ủn (tên thân thương anh Tuấn gọi con gái) đã có sữa để bú ngay”. Song, nguồn sữa này chỉ duy trì được 2, 3 ngày là hết. Thế là anh lại chạy vạy khắp nơi, nhờ bạn bè đi xin sữa giúp mình. Nhưng nguồn sữa xin được càng ngày càng ít, vì con của các bà mẹ cho sữa ngày càng lớn, bú nhiều hơn. Thêm vào đó, kể từ tháng thứ 3 trở đi, nội ngoại hai bên cứ đòi cho bé Ủn ăn sữa bột để có thể đưa bé về quê cho ông bà chăm sóc. Mỗi lần nhìn con thơ nôn trớ vì ăn sữa bột, anh lại không kìm được nước mắt. Anh tự nhủ, con đã mất mẹ, không thể lại thiếu thêm ba. Như ai đã từng nói, mỗi người đều có một cuộc chiến, và với anh cuộc chiến ấy bây giờ là duy trì nguồn sữa mẹ cho con, giữ con luôn ở cạnh.
Không thể đứng nhìn con khát sữa, anh Tuấn lần mò lên mạng xã hội và đăng tin xin sữa tại Hội sữa mẹ. Lần đầu xin, chẳng có ai để ý, phải đến lần thứ hai, nhờ bạn bè kéo bài đăng lên và kêu gọi giúp đỡ, anh mới nhận được nguồn sữa quý giá từ các bà mẹ. Có lần xin được nhiều đến nỗi tủ lạnh nhà anh rơi vào tình trạng “khủng hoảng thừa”!
Chính điều ấy đã làm anh suy nghĩ: Sữa lúc nhiều, lúc ít, phải làm sao để có thể bảo quản tốt, không để lãng phí nguồn dinh dưỡng quý giá này và cân bằng nguồn sữa giữa những trẻ thiếu và thừa sữa. Những suy nghĩ ấy cứ vương vấn trong đầu anh mãi, cho đến khi anh đi thăm một bà mẹ nuôi con nhỏ thì ý tưởng mới bật ra trong đầu.
Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Việt Nam
Ấy là lần anh Tuấn đi theo một đoàn tình nguyện tới thăm một chị công nhân đang nuôi con nhỏ. Đứa trẻ bị thiếu nước ối nên da dẻ đen sạm lại. Bản thân người mẹ là công nhân nên cũng muốn cho con ăn sữa ngoài sớm để có thể đi làm. Khi đó, anh Tuấn đã biếu chị một hộp sữa bột nhưng rồi khi về đến nhà, anh lại hối hận, ước rằng giá như mình không làm điều đó. Thế là anh gọi điện lại, thuyết phục chị cho con bú sữa mẹ, vì không những tốt mà biết đâu nguồn sữa ấy sẽ giúp da dẻ đứa con của chị trở lại trắng trẻo như bình thường.
“Gọi điện xong rồi tôi lại luẩn quẩn mấy suy nghĩ về việc liên kết một mạng lưới các mẹ dư sữa, mỗi tủ lạnh là một cái kho dự trữ. Trước tiên, các mẹ trữ sữa cho chính con mình, phòng khi đi làm hoặc mất sữa. Kế đến là chia sẻ sữa cho các bé khác khi mẹ các bé đó không có sữa. Cuối cùng là điều phối nguồn sữa ổn định tới các bé cần sữa, giảm tải tủ lạnh trữ sữa khi quá tải dẫn đến lãng phí nguồn sữa”, anh Tuấn chia sẻ.
Nghĩ là làm, ngay sau đó anh đem ý tưởng đăng lên Hội sữa mẹ kêu gọi mọi người chung tay lập một ngân hàng sữa mẹ. Ý tưởng của anh ngay lập tức được mọi người hưởng ứng. Một mạng lưới cho và nhận sữa được thiết lập với hơn 100 thành viên ban đầu tới nay đã hơn 20.000 thành viên ở khắp cả nước.
Anh Trình Tuấn tại hành trình sữa mẹ xuyên Việt.
Tuy nhiên, điều khó nhất với anh vẫn là làm sao thay đổi được nhận thức của người dân về vấn đề sữa mẹ. Thống kê cho thấy, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ thấp (chưa đầy 20%). Điều này càng đặc biệt đáng lo ngại khi các loại quảng cáo sữa bột tràn lan trên báo chí luôn phát đi thông điệp sữa bột có thể thay thế hoàn toàn sữa mẹ. Mặc dù vậy, anh Tuấn vẫn luôn tin tưởng vào công việc của bản thân, vì bên cạnh anh có rất nhiều những người cùng chí hướng.
Hiện nhóm ngân hàng sữa mẹ do anh làm quản trị trên mạng xã hội có lượng thành viên lên tới hơn 20.000 thành viên, còn hội sữa mẹ là 130.000 thành viên. Ngoài ra, anh còn phát triển dự án babyMe - một giải pháp ứng dụng công nghệ di động dành cho các bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ để quản lý hành trình phát triển 1.000 ngày của trẻ, từ lúc thai nhi đến 2 tuổi. Dự án đã được trao giải nhất Cuộc thi “Sáng tạo vì trẻ em” do Tổ chức UNICEF Việt Nam thực hiện.
Giờ, cuộc sống ngày càng khiến anh Tuấn vẫn bận rộn hơn với các công việc của mình nhưng anh vẫn hạnh phúc vì có bé Ủn, có những người cùng chí hướng cùng làm những công việc có ích cho cộng đồng, cho tương lai của trẻ em Việt Nam. Hạnh phúc của trẻ thơ giản đơn là được bú sữa mẹ, anh Tuấn giãi bày.