THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:05

Người cao tuổi thời công nghệ số

 Nếu trước đây chỉ quen dùng điện thoại đen trắng với những phím số thô kệch thì nay, bà Lượt đã sử dụng thành thạo các chức năng cơ bản của chiếc điện thoại thông minh.

Nếu trước đây chỉ quen dùng điện thoại đen trắng với những phím số thô kệch thì nay, bà Lượt đã sử dụng thành thạo các chức năng cơ bản của chiếc điện thoại thông minh.

Miệng nhai trầu, tay lướt “Za-lô, phây-búc, ziu-túp”

Đã ngoài 70 tuổi, nếu trước đây chỉ quen dùng điện thoại đen trắng với những phím số thô kệch thì nay, bà Lượt đã sử dụng thành thạo các chức năng cơ bản của chiếc điện thoại thông minh và những ứng dụng mạng xã hội.

Đưa tay quệt miếng trầu trên miệng, bà vui vẻ: “Chiếc điện thoại này là con trai út mua cho đấy. Za-lô, phây-búc, ziu-túp cũng là nó giúp tôi tạo tài khoản rồi hướng dẫn cách sử dụng. Ban đầu, tôi thấy khó sử dụng lắm, điện thoại lại to quá, cầm không quen tay, chức năng phức tạp. Ấy thế, dùng lâu rồi cũng quen, lại mê. Za-lô, phây-búc giúp tôi dễ dàng liên lạc với con, cháu ở trong Nam và Hà Nội. Tuần nào tụi nó cũng gọi điện qua mạng hàn huyên, nói chuyện thoải mái mà không lo tốn phí. Ông bà được ngắm cháu, con thấy ông bà sống vui khỏe cũng phần nào yên tâm học tập, công tác”. 

Từ ngày có chiếc điện thoại thông minh, những lúc rảnh bà lại vào mạng đọc báo, lướt Facebook để xem những thông tin được mọi người chia sẻ. Khi có những tin tức hay các chính sách liên quan đến người cao tuổi, nhất là ở khu vực nông thôn, bà cùng các bạn ăn trầu cùng nhau thảo luận và mong mỏi chính sách sớm được thực hiện. Đặc biệt, bà thấy cái hay của mạng là một sự kiện diễn ra nhưng có nhiều tờ báo đưa tin, mỗi báo lại khai thác một khía cạnh khác nhau, giúp bà hiểu hơn sự việc và nắm bắt thông tin khách quan hơn.

Cùng với đó, bà lên mạng tìm hiểu những kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho người già và gia đình; tìm hiểu thêm về cách chăn nuôi, cây giống làm sao cho năng suất cao để lưu ý con, cháu tham khảo rồi vận dụng… “Đúng là thời đại công nghệ số, tất cả tin tức nằm hết trong chiếc điện thoại thông minh này, như cô Tấm từ quả thị bước ra”, bà Lượt cười và không quên bỏ thêm miếng trầu vào miệng.

Chơi Facebook, làm việc qua Zalo

Với ông Vũ Đức Chiêu, 63 tuổi, Bí thư Chi bộ khu dân cư số 7, tổ dân phố số 10, phường Mai Động (quận Hoàng Mai, Hà Nội), công nghệ thông tin đã mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đó là thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh ở Hà Nội, mỗi tối ông mày mò máy vi tính để tìm hiểu, sưu tầm những thông tin liên quan đến công tác phòng, chống dịch và tải về biên tập ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để in ra giấy hoặc đưa lên Zalo. Với những thông tin quan trọng, ông tạo điểm nhấn, ký hiệu riêng rồi bôi xanh, đỏ, vàng, dấu sao, hoa thị… nhằm gây sự chú ý. Bên cạnh đó, ông lập các nhóm Zalo: Chi bộ, chi bộ hai chiều, tổ dân phố, nhóm thuê trọ và trang tuyên truyền của phường… với những thông tin “nóng hổi” được ông cập nhật thường xuyên.

Với ông Vũ Đức Chiêu, công nghệ thông tin đã giúp ông mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Với ông Vũ Đức Chiêu, công nghệ thông tin đã giúp ông mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

 Hồi cuối tháng 11/2022, khi thông báo tình hình an ninh, trật tự, phòng, chống cháy nổ và phòng chống dịch bệnh khi chuyển mùa, ông Chiêu cũng gửi các hình ảnh, yêu cầu, tiêu lệnh chữa cháy của Công an lên nhóm Zalo trước buổi sinh hoạt chuyên đề của Chi bộ để chuẩn bị tuyên truyền, giới thiệu, hướng dẫn.

       “Cũng nhờ mạng xã hội, tôi liên lạc thuận tiện với bạn bè, kể cả những đồng nghiệp lâu năm không gặp do về hưu, chuyển nhà đi nơi khác, kết nối với con cháu và thu hẹp khoảng cách giữa các thế hệ… Tôi có ông cậu nay đã bát niên, từ khi đổi từ “cục gạch” bấm phím sang điện thoại thông minh thì phán “Dùng điện thoại thông minh sướng thật!”, ông Chiêu nói.

Bà Trần Thị Lộc (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi có nhóm “cụ hưu” trước làm cùng cơ quan. Hơn chục cụ, mỗi người một vẻ. Một số cụ vẫn đi làm, trình độ công nghệ thông tin cỡ “văn phòng” rất OK. Đánh máy, lập bảng, làm slide… là công việc thường ngày nên Google, Facebook, Zalo là công cụ hữu ích, không thể thiếu. Cụ thì giảng dạy, làm nghiên cứu khoa học, hướng dẫn sinh viên, học viên thông tuệ lắm. Kinh nghiệm mấy chục năm làm việc, lại chịu khó cập nhật, khả năng sử dụng công nghệ, ngoại ngữ rất khá”.

Bà Trần Thị Lộc chia sẻ câu chuyện về người cao tuổi thời công nghệ số.

Bà Trần Thị Lộc chia sẻ câu chuyện về người cao tuổi thời công nghệ số.

Các nhóm mạng xã hội của người cao tuổi rất đa dạng, phong phú, sinh hoạt sôi nổi với thành viên hàng chục, thậm chí cả trăm người. Các cụ chia sẻ với nhau từ việc đi tập thể dục; ngày này đi du lịch ở đâu; ngày nào thăm cụ A, cụ B; rồi ngày nào đi họp tổ hưu… hay chia sẻ món ăn nào ngon, cách làm thế nào, cái váy này, áo này mua ở đâu, giá bao nhiêu… 

Với bà Nguyễn Thị Thúy Ngân (71 tuổi, Ủy viên thường trực Hội Người khuyết tật (NKT) TP Hà Nội, Chủ tịch Hội NKT quận Thanh Xuân), chiếc máy vi tính kết nối Internet như “người bạn đồng hành” giúp bà rất nhiều trong công việc như: Soạn thảo văn bản, giao tiếp với mọi người qua Zalo, Email, Facebook. Với công việc của Hội NKT quận, chủ yếu bà dùng mạng Zalo để phục vụ cho công tác điều hành như: Vận động cho chính quyền quận và phường hỗ trợ xây và sửa nhà cho NKT, thương binh và trẻ khuyết tật; lập riêng nhóm Zalo chuyên về mục để thông báo họp cho Hội NKT quận. Mỗi khi thông báo mời họp, bà chỉ việc đăng thông tin ngày, giờ, nội dung của buổi họp lên nhóm để mọi người biết.

 Bà Nguyễn Thị Thúy Ngân cho biết, chiếc máy vi tính kết nối Internet như “người bạn đồng hành” giúp bà rất nhiều trong công việc.

Bà Nguyễn Thị Thúy Ngân cho biết, chiếc máy vi tính kết nối Internet như “người bạn đồng hành” giúp bà rất nhiều trong công việc.

“Nhờ qua mạng xã hội mà làm được nhiều việc lắm. Chỉ trong 10 ngày của năm 2021 (từ 10 đến 20/8/2021), quận Thanh Xuân là điểm nóng của dịch bệnh Covid-19. Lúc đó, tuy không được ra khỏi nhà nhưng thông qua mạng xã hội, tôi đã vận động các tổ chức, cá nhân và xin được 965 suất quà, trị giá gần 250 triệu đồng cho NKT trong quận”, bà Ngân chia sẻ.

Thời đại công nghệ số phát triển, việc tìm hiểu, thích ứng và sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin đối với người cao tuổi là điều hữu ích. Dù có những rào cản nhất định nhưng nhiều người cao tuổi đã và đang cố gắng tiếp cận với công nghệ hiện đại để phục vụ cho công việc và làm phong phú hơn cuộc sống của mình.

Theo PGS, TS Trịnh Hòa Bình, Chuyên gia xã hội học (Viện Xã hội học Việt Nam), Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã mở ra một thế giới mới đối với người cao tuổi, tiếp thêm sinh lực và tâm trí cho nhiều người theo những cách khác nhau. Vì thế, “chơi” Facebook, Zalo... cũng là cách giúp người già tránh được cảm giác cô độc, buồn chán khi con, cháu bận rộn; ngoài ra còn giúp cho trí óc, não bộ của người cao tuổi hoạt động tích cực hơn, kéo dài tuổi thọ.

Để người cao tuổi vững tin hòa nhập kỷ nguyên số, chúng ta không chỉ đưa các cụ đến ngưỡng cửa của thế giới công nghệ thông tin mà còn đồng hành với họ trong quá trình hòa nhập. Vì vậy, các chính sách trợ giúp người cao tuổi dễ dàng tiếp cận công nghệ số khả dụng, như: Dịch vụ ngân hàng điện tử, thương mại điện tử, dịch vụ y tế từ xa… với giá phải chăng cũng đã được nhiều quốc gia cân nhắc và triển khai.

CÙ HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh