CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:10

Người cao tuổi cần làm gì để bảo vệ bản thân và người khác trước đại dịch COVID-19

Theo Khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nguy cơ tăng dần ở người từ 50 tuổi và tăng thêm với mỗi nhóm tuổi 60, 70 và 80. Người trên 85 tuổi có nguy cơ cao nhất nhiễm Covid-19 và bệnh diễn tiến nặng.

Làm thế nào để bảo vệ bản thân và người khác khỏi COVID-19?

Cần thực hiện 3 biện pháp sau:

- Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19:

Là biện pháp quan trọng, giúp phòng ngừa và giảm biến chứng nặng của COVID-19. Các nghiên cứu đã chứng minh các loại vắc xin phòng COVID-19 như AstraZeneca, Pfizer hay Moderna đều giảm nguy cơ tử vong và biến chứng bệnh nặng do COVID-19 ở người cao tuổi.

- Giãn cách xã hội:

Hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp với người khác, đặc biệt trong không gian kín. Giữ liên lạc với con cháu, người thân qua điện thoại, máy tính bảng, ứng dụng video call trên máy tính bảng. Nếu sống cùng nhiều người trong nhà, hãy sắp xếp một phòng riêng.

Không đi ra ngoài nơi tập trung đông người. Giữ khoảng cách tiếp xúc trên 2 mét.

Trữ sẵn thực phẩm và thuốc trong nhà trong tối thiểu 2 tuần, hoặc nhờ người khác đi chợ giúp, giao hàng nhưng đảm bảo khoảng cách khi nhận hàng.

- Biện pháp bảo vệ cá nhân:

 Đeo khẩu trang khi ra ngoài. Quan trọng là khẩu trang phải kín, không được chạm vào mặt ngoài khẩu trang, không kéo xuống cằm để nói chuyện, không nên dùng một chiếc khẩu trang nhiều lần. Khẩu trang vải cần giặt sạch và phơi khô sau mỗi lần sử dụng.

Người cao tuổi cần làm gì để bảo vệ bản thân và người khác trước đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Người trên 85 tuổi có nguy cơ cao nhất nhiễm Covid-19 và bệnh diễn tiến nặng

Rửa tay thường xuyên. Nếu không có xà phòng và nước, hãy dùng dung dịch sát trùng tay chứa tối thiểu 60% cồn.

Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng khi chưa rửa tay.  Khi ho hoặc hắt hơi, hãy dùng khăn giấy hoặc mặt trong khuỷu tay, sau đó hãy rửa tay.

 Làm sạch và khử trùng các bề mặt và đồ vật thường chạm vào bằng dung dịch tối thiểu 60% cồn.

 Tập thể dục thường xuyên, tối thiểu 30 phút mỗi ngày. Thực hành các sở thích, thư giãn, thiền… Chế độ dinh dưỡng đầy đủ và đa dạng, nhiều rau xanh, vitamin và khoáng chất. Uống đủ nước (tối thiểu 2 lít mỗi ngày).

 Tuân thủ chế độ điều trị các bệnh lý nền mạn tính một cách đều đặn: không được ngưng thuốc, chuẩn bị sẵn những thuốc thường dùng để sử dụng trong thời gian lâu dài. Có thể liên hệ điện thoại với cơ sở y tế đang điều trị để trao đổi trực tiếp và được tư vấn phù hợp.

 Hãy thảo luận với người thân về bất cứ nỗi lo, buồn, sợ hãi … nào về COVID-19 hoặc các vấn đề khác.

Người cao tuổi cần làm gì nếu nghi ngờ bị nhiễm COVID-19?

Nếu người cao tuổi nghĩ rằng mình đã tiếp xúc với người nghi nhiễm COVID-19 hãy liên hệ cơ sở y tế gần nhất để được xét nghiệm tầm soát COVID-19.

người cao tuổi  cần liên hệ ngay với Trạm y tế địa phương hoặc có thể liên hệ đường dây nóng Bộ y tế 1900 9095 và 1900 3228 để được tư vấn nếu có một trong các biểu hiện nghi ngờ nhiễm COVID-19 như đau họng, mất vị giác hoặc khứu giác, ho, sốt, khó thở .

Đừng chần chừ tìm kiếm sự hỗ trợ y tế vì có thể làm COVID-19 nặng hơn hoặc các bệnh lý khác (vốn cũng gây ra khó thở, mệt, sốt, ho …) trở nên nặng hơn.

Thảo luận với nhân viên y tế (NVYT) quen thuộc hoặc người thân về các vấn đề sức khỏe của NCT (cách NCT muốn được chăm sóc, các can thiệp y tế nào NCT muốn hay không mong muốn…) mà NVYT cần biết trong trường hợp NCT nghĩ rằng họ có thể mắc COVID-19, hoặc khi bệnh trở nặng.

Người cao tuổi cần làm gì để bảo vệ bản thân và người khác trước đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Chế độ dinh dưỡng đầy đủ và đa dạng, nhiều rau xanh, vitamin và khoáng chất. Uống đủ nước (tối thiểu 2 lít mỗi ngày)

NCT nên suy nghĩ và xác định người chăm sóc hiểu mình nhất để họ có thể đưa ra các quyết định y tế trong trường hợp NCT không thể tự quyết định được cho bản thân.

Theo PGS TS BS. Lâm Vĩnh Niên - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, tác động của đại dịch COVID-19 vượt ra ngoài phạm vi nguy cơ về lây nhiễm virus. Thay đổi trong lối sống do lệnh giãn cách ở nhà có thể tác động lên sức khoẻ và tâm lý của bạn.

Các nghiên cứu cho thấy đại dịch gây tình trạng căng thẳng và lo lắng, điều này cũng ảnh hưởng đến cách chúng ta ăn, động lực tập luyện vận động cơ thể và cả chất lượng giấc ngủ. Ví dụ, chất lượng giấc ngủ kém dẫn đến tăng cảm giác đói, giảm nhạy cảm insulin…

Thống kê cho thấy tình trạng giãn cách tại nhà dẫn đến tăng nguy cơ thừa cân và béo phì; các rối loạn này là tiền đề dẫn đến các bệnh mạn tính không lây như tăng huyết áp, tăng mỡ máu, đái tháo đường type 2, bệnh khớp… Người thừa cân cũng có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn khi nhiễm virus SARS-CoV2.

Để sống khoẻ mạnh trong giai đoạn ở nhà, cần lưu ý có chế độ ăn lành mạnh, cân bằng, đủ chất đạm, sử dụng chất bột đường tốt (tránh đường đơn giản), đủ chất xơ, sử dụng chất béo lành mạnh (hạn chế béo bão hoà có trong mỡ, chất béo có trong thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn), ăn nhiều rau quả để cung cấp vi chất dinh dưỡng giúp hỗ trợ hệ miễn dịch.

Ngoài ra cũng duy trì lối sống tích cực, kiểm soát căng thẳng. Mỗi ngày nên vận động ít nhất 30 phút, nên chọn hình thức tập luyện tại nhà. Một người 70 kg sẽ đốt cháy khoảng 100 calo cho mỗi dặm (tương đương 1,6 km); do đó nếu đi bộ 8 km với 10.000 bước chân có thể đốt cháy 500 calo. Đều này vừa giúp rèn luyện thể chất, kiểm soát cân nặng và kiểm soát stress.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh