THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:34

Người canh gác cổng sinh tử

"Bất chợt, cả người bệnh tím đen như quả bồ quân", bác sĩ Ngô Văn Hào nhớ lại.

Quan sát kỹ người bệnh, anh phát hiện toàn bộ vùng thanh môn đang sưng nề do chấn thương khi thực hiện thủ thuật đặt stent, khiến bệnh nhân không thở được. Tình thế "nghìn cân treo sợi tóc", trong phòng mổ chỉ còn lại mình anh và một điều dưỡng trẻ.

Không chần chừ, anh vội lấy một lưỡi dao mổ, không kịp lắp cán dao, để cấp cứu tại chỗ, mở khí quản cứu sống người bệnh. Toàn bộ quá trình diễn ra không được phép quá 5 phút. Kết quả, người bệnh thở lại được.

Đứng trong phòng phẫu thuật, anh hít nhẹ một hơi, nhắn nhủ học trò bên cạnh: "Bệnh nhân phẫu thuật chưa thành công, có thể gửi lên tuyến trên điều trị. Còn gây mê hồi sức thì không bởi nếu không xử trí nhanh tại chỗ sẽ khiến họ mất mạng khi tai biến đến bất ngờ".

Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ cao cấp Ngô Văn Hào (58 tuổi) hiện là Phó Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Ngoài công tác lãnh đạo, nghiên cứu và giảng dạy, bác sĩ Hào còn chuyên đi "cứu hộ" cho những ca cấp cứu khó hoặc trực tiếp tham gia gây mê trong những ca bệnh phức tạp.

Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối, đầu ngành tại Hà Nội. Hiện, khoa Gây mê hồi sức có khoảng 22 bác sĩ và hơn 150 nhân viên là các kỹ thuật viên gây mê, điều dưỡng gây mê, hộ lý... Mỗi ngày, các y bác sĩ tham gia thực hiện 80 - 100 ca phẫu thuật từ đơn giản đến phức tạp, cả mổ phiên hàng ngày đến mổ cấp cứu cho tất cả chuyên khoa như: Ngoại tổng hợp, sản, tim mạch, tai mũi họng, răng hàm mặt, phẫu thuật thần kinh sọ não, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình và cột sống, phẫu thuật nội soi, ghép tạng...

Ngoài ra, khoa còn đảm bảo công việc tại khu hồi sức ngoại khoa để hồi sức và chăm sóc tích cực cho hàng chục bệnh nhân nặng sau mổ.

Người canh gác cổng sinh tử - Ảnh 1.

Bác sĩ Ngô Văn Hào, Phó Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Trong căn phòng nhỏ cuối hành lang bệnh viện, bác sĩ Hào giọng ôn tồn, say sưa kể về những ngày đầu gắn bó với chuyên ngành gây mê hồi sức.

"Tôi đi làm từ năm 1985. Thấm thoát đã gần 35 năm 'đi trước về sau' với nghề. Thế nhưng, để tiêm đúng liều, đúng mức độ và làm cho mọi người không đau đớn khi mổ xẻ vẫn là việc tôi phải học từng ngày", bác sĩ nói.

Mỗi kíp gây mê gồm một bác sĩ gây mê và một điều dưỡng phụ mê, một chạy ngoài, một típ dụng cụ phục vụ ca mổ. Thông thường, bác sĩ gây mê phải gặp bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật để khám và đánh giá tình trạng bệnh.

Thông thường, trong mỗi cuộc phẫu thuật, kíp gây mê là những người đến phòng mổ sớm nhất để làm các công tác chuẩn bị cho ca mổ như: Phòng mổ, thiết bị và tiến hành các bước tiền mê, khởi mê cho bệnh nhân..., sau đó mới đến phiên của bác sĩ phẫu thuật.

Sau giai đoạn khởi mê, kíp gây mê lùi lại và đứng phía sau tấm màn xanh, khi đó cuộc mổ bắt đầu. Khi đó, bác sĩ gây mê vừa hỗ trợ bác sĩ phẫu thuật vừa chịu trách nhiệm về chuyên môn như: Kỹ thuật, thủ thuật gây mê và chức năng sống bệnh nhân đồng thời hồi sức bệnh nhân tại phòng hồi tỉnh. Đây là thời gian để bác sĩ gây mê cùng với ekip của mình theo dõi sát các chỉ số sinh tồn của người bệnh cũng như hoạt động của các máy phục vụ cho gây mê như: Máy thở, monitoring, máy đo độ giãn cơ, đo độ mê, bơm tiêm điện... và hỗ trợ bác sĩ phẫu thuật xử lý các tình huống bất thường.

Theo anh, người bác sĩ gây mê hồi sức phải đánh giá được bệnh nhân trước khi phẫu thuật và diễn biến cuộc phẫu thuật đồng thời tiên lượng được khả năng hồi phục của bệnh nhân. Ngoài ra, bác sĩ gây mê cần trang bị kiến thức tổng hợp về nội khoa, ngoại khoa, sinh lý, bệnh dược lý để hiểu về các loại thuốc bệnh nhân đang sử dụng.

Người canh gác cổng sinh tử - Ảnh 3.

Bác sĩ Hào đang bóp bóng để cung cấp oxy cho bệnh nhân bị K dạ dày. Ảnh: Giang Huy

"Ai cũng nói nghề này nhàm chán nhưng tôi thì không bởi tôi tự tìm niềm vui trong chính công việc của mình", bác sĩ nói. "Một ngày trôi qua không xảy ra tai biến nào là trọn vẹn, một tuần qua đi không để xảy ra một sự cố nào là hạnh phúc. Cứu sống thêm một ca, niềm vui nhân lên nhiều phần".

Quanh năm làm việc trong bốn bức tường yên tĩnh với không khí "căng như dây đàn", đối tượng phục vụ lại toàn những người "mê" khiến công việc của anh thêm phần khó. Tuy nhiên, bác sĩ gây mê thường khó chủ động được khi cấp cứu, bởi bệnh nhân phải được đánh giá sơ qua lâm sàng từ phòng bệnh, khởi mê, đạt an toàn mới gây mê. Còn trong cấp cứu, bác sĩ nhanh nhẹn và nhanh trí để giải quyết mọi công việc, đảm bảo cứu sống bệnh nhân trong thời gian vàng.

Anh luôn quan niệm nghề gây mê tuy thầm lặng nhưng lại là người canh gác ở ranh giới sinh tử bởi từng hơi thở, nhịp tim của họ cũng đều do bác sĩ gây mê quyết định. "Chỉ khi người bệnh tỉnh lại thì ranh giới đấy mới được gỡ bỏ hoàn toàn", bác sĩ nói.

Khép lại một ngày dài trong phòng mổ, anh trở về phòng làm việc để tiếp tục nghiên cứu bệnh án nhưng vẫn luôn sẵn sàng cứu hộ khi có ca bệnh cần.

Theo THÙY AN/VnExpress

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh