CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:17

Ngưng cấp phép đóng mới tàu đột ngột, ngư dân 'dở khóc dở mếu'

 

Ngày 18/11 vừa qua, Bộ NN&PTNT ban hành công văn số 9443 về việc tăng cường quản lý hoạt động khai thác thủy sản. Trong đó, Bộ chỉ đạo UBND các tỉnh ven biển tạm ngưng việc cấp phép cho hoạt động đóng mới đối với loại tàu lưới kéo kể từ ngày 16/11/2015. 

Một văn bản có hiệu lực trước cả thời điểm được ban hành, không được thông báo và không có thời gian chuẩn bị đã khiến cả trăm ngư dân ở tỉnh Kiên Giang lâm vào cảnh dở khóc dở mếu khi mà con tàu trị giá cả chục tỷ đồng đang trong giai đoạn thi công, hoàn tất không được cấp phép, đồng nghĩa với việc phải nằm bờ.

 

Tàu cá của ông Minh đang trong giai đoạn hoàn thiện vẫn chưa xin được giấy phép

Ông Trần Hoàng Minh – chủ doanh nghiệp tư nhân Hoàng Minh vẫn còn bị “sốc” khi mà 1 trong 2 chiếc tàu ông đang đóng chưa được cấp phép mặc dù hồ sơ Thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt trước thời điểm 16/11. Ông đang đóng mới một cặp tàu cào đôi trị giá 14 tỷ đồng, trong đó tiền vay từ phía ngân hàng là 7 tỷ đồng.

Ông Trần Hoàng Minh bức xúc nói: “Nói chung chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấm đóng mới đối với loại tàu lưới cũng phải nhưng khi cấm phải cho người dân biết ngày nào cấm chứ bây giờ người ta đang đóng, nói cấm là cấm ngay là làm khó cho người dân. Tàu đang đóng dở như vậy rồi biết làm sao, trong khi đó, người dân phải vay tiền ngân hàng, không phải tiền nhà để đóng tàu. Tôi đề nghị phải xem xét hồ sơ cho đóng cho xong chiếc tàu đang làm dở dang” .

Còn đối với bà  Đỗ Thị Tuyết Hà – chủ doanh nghiệp Hà Xuân ở phường Rạch Sỏi – TP Rạch Giá nửa tháng nay như  ngồi trên đống lửa khi mà 4 chiếc tàu đang vào giai đoạn thi công, hoàn thiện không xin được giấy phép đóng mới. Bà Hà cho biết, doanh nghiệp của bà hiện đang đóng mới 4 chiếc tàu làm nghề lưới kéo trị giá 28 tỷ đồng. 

Mới đây, bà lên cơ quan chức năng để xin nộp hồ sơ thì mới được thông báo là tạm dừng cấp phép. Hiện doanh nghiệp cuả bà Hà đã bỏ ra hơn 8 tỷ đồng trong đó có 3,5 tỷ tiền vay của ngân hàng. Cả mọi nguyên vật liệu để đóng tàu bà đều đã mua, gỗ cũng đã xẻ xong vì vậy nếu không sử dụng thì gỗ rất nhanh hư hỏng. Tiến không xong mà lùi cũng không được, bà Hà đành cho công nhân cứ tiến hành đóng tàu. Tới đây, nếu cả 4 con tàu đều không được cấp phép thì thiệt hại này rất lớn.

 

Một trong 4 con tàu của bà Hà đang đóng dở dang

 

Bà Tuyết Hà bày tỏ: “Bốn dàn xưởng này đổ tiền vào đây cũng nhiều và cũng có vay tiền của Nhà nước. Nếu mà tàu không hoàn thành được thì rất khó khăn, không hoạt động được thì cũng không có điều kiện để trả nợ. Tôi cũng mong muốn cho phép hoàn thành 4 con tàu này”.

Theo thống kê chưa đầy đủ, cả tỉnh Kiên Giang có 80 chiếc tàu làm nghề lưới kéo đang đóng mới nhưng chưa được cấp phép theo tinh thần chỉ đạo của công văn số 9443 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Tâm – Phó chi cục trưởng Chi cục thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Kiên Giang  cho biết, thông thường, các chủ tàu ở Kiên Giang sau khi đóng xong phần thân tàu thì họ mới làm các thủ tục xin phép. Và cũng bởi từ trước đến nay, việc xin cấp phép cũng rất dễ dàng, nhanh chóng nên công văn số 9443 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu dừng việc cấp phép một cách đột ngột đã đẩy nhiều chủ tàu vào cảnh khốn khó, không kịp trở tay. Văn bản này cũng gây bất ngờ ngay cả đối với những người làm công tác quản lý.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó chi cục trưởng Chi cục thủy sản, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết: “Văn bản thường là những thông tư, quyết định thường có bước thời gian chuyển tiếp nhưng văn bản này nhìn chung hơi đột ngột nên một số ngư dân gặp nhiều khó khăn. Ở góc độ quản lý chúng tôi sẽ có kiến nghị Bộ Nông nghiệp xem xét chủ trương này trong thời gian tới”.

Trước tình hình ngư trường ngày càng cạn kiệt thì chủ trương tạm dừng việc đóng mới tàu làm nghề lưới kéo là hợp với chủ trương của Chính phủ nhằm phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, việc ban hành văn bản tạm dừng cấp phép một cách đột ngột của Bộ NN&PTNN đã gây thiệt thòi và bức xúc trong nhân dân.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, trước mắt UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Sở Nông nghiệp – phát triển nông thôn nắm lại danh sách bà con đóng mới tàu cá làm nghề lưới kéo để kiến nghị Bộ Nông nghiệp xem xét lại những trường hợp đã có hồ sơ thiết kế kỹ thuật cùng với tờ khai đóng mới tàu cá đã được UBND xã phường phê duyệt trước ngày 18/11.

Theo LAM HIẾU/VOV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh