THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:53

Ngủ không đủ giấc có thể dẫn tới những bệnh lý gì?

 

Một giấc ngủ đêm không đủ 8 tiếng đồng hồ có thể khiến tinh thần mệt mỏi, tâm trạng chán chường, lo lắng...

 

Các biến chứng nguy hại của thiếu ngủ

Theo Việt Nam plus và Sức khỏe&Đời sống: Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người thường có giấc ngủ bị gián đoạn gặp khó khăn trong việc chuyển hướng sự tập trung của mình khỏi những thông tin tiêu cực. Điều này đồng nghĩa một giấc ngủ không đủ giờ có thể dẫn đến những suy nghĩ bi quan, ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. 
Những suy nghĩ tiêu cực có thể khiến con người dễ mắc các chứng rối loạn tâm lý, như lo lắng hay chán nản, suy sụp tinh thần. Ngoài ra, người bị thiếu ngủ còn có những người mắc các vấn đề về y tế như trầm cảm, tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ, mất cân bằng nội tiết tố và các bệnh mãn tính khác.
Nghiên cứu cũng cho thấy thiếu ngủ có thể là một yếu tố dự báo tăng cân ở người lớn và trẻ em. Mỗi 1 giờ đồng hồ ngủ bị cắt giảm mỗi ngày sẽ gây tăng 0,35 kg trong chỉ số khối cơ thể (BMI). Những thay đổi này dẫn đến tăng nguy cơ cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, đau tim và đột quỵ.

Ngoài ra, số liệu thống kê cho thấy thiếu ngủ liên quan đáng kể đến các vụ tai nạn thảm khốc từ máy bay, tàu phà, xe lửa, ô tô đến sự cố các nhà máy điện hạt nhân.

Ngủ ít hơn 5 tiếng một đêm làm tăng 15% nguy cơ tử vong, gây giảm sức đề kháng của cơ thể, gia tăng các bệnh tật.

Trẻ em và thanh thiếu niên dễ bị tổn thương nhất đối với những tác động tiêu cực của thiếu ngủ.

 

Đọc sách để dỗ giấc ngủ đến là một thói quen tốt.

 

 Làm sao để phòng ngừa thiếu ngủ?

Hãy tham khảo một số gợi ý sau cho việc  tạo thói quen ngủ tốt bao gồm:

Đi ngủ ngay khi mệt mỏi

Tạo thói quen đi ngủ và thức dậy vào giờ cố định, phù hợp mỗi ngày trong tuần

Tránh bữa ăn 2 - 3 giờ trước khi đi ngủ

Nếu không thể ngủ được sau 20 phút cố gắng, hãy đi sang phòng khác và đọc sách cho đến khi cảm thấy buồn ngủ, sau đó quay trở lại giường.

Duy trì tập thể dục thường xuyên hàng ngày.

Giữ phòng ngủ yên tĩnh, tối và nhiệt độ thích hợp.

Tắt các thiết bị điện tử khi bạn đi ngủ. Một nghiên cứu mới cho thấy những người ham mê điện thoại thông minh, thường xuyên cập nhật thông tin trên mạng xã hội bị rối loạn giấc ngủ cao hơn, cũng thiếu ngủ nhiều hơn.

Ngoài ra, khi thiếu ngủ, bạn cần trả nợ cho giấc ngủ bị thiếu. Bạn sẽ biết bạn đã trả nợ đủ giấc ngủ của bạn khi bạn thức dậy với cảm giác sảng khoái và không cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày.

Nếu tình trạng thiếu ngủ  diễn ra và các triệu chứng tiêu cực tồn tại bất chấp thực hành các biện pháp duy trì giấc ngủ, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo sức khỏe của bạn. Đừng hy sinh giác ngủ của bạn vì đó chính là hy sinh sức khỏe, chất lượng cuộc sống.

 

Trẻ từ 3 - 5 tuổi, nên ngủ 10 - 13 giờ.

 

Khi nào bạn được cho là ngủ không đủ giấc?

Theo nghiên cứu, mỗi lứa tuổi đòi hỏi thời gian ngủ đủ khác nhau:

Trẻ sơ sinh (0-3 tháng): 14-17 giờ mỗi ngày

Trẻ sơ sinh (4-11 tháng): 12-15 giờ

Trẻ em (1-2 tuổi): 11-14 giờ

Trẻ mẫu giáo (3-5): 10-13 giờ

Các em học sinh trong độ tuổi (6-13): 9-11 giờ

Thiếu niên (14-17): 8-10 giờ

Người lớn (18-64): 7-9 giờ

Người lớn tuổi (65 tuổi): 7-8 giờ.

HOA HẠ (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh