Ngồi quán miến lươn 30 năm tuổi phố Chân Cầm, nghe bà chủ kể chuyện xưa ôm bụng bầu đi bán rong khắp phố cổ mưu sinh
- Bác sĩ
- 16:55 - 06/06/2020
Phố Nhà Thờ cuối tháng 5 nắng chang chang như đổ lửa. Những hàng trà chanh lác đác người ngồi, các quán ăn cũng thưa hơn hẳn so với dịp đầu hè năm ngoái, bởi sau 2 tháng nghỉ tránh dịch thì khách nước ngoài ghé thăm cũng vãn hơn.
Nóng thế này ăn phở hay cháo thì toát mồ hôi quá, chợt nhớ ngay đầu phố Chân Cầm có hàng miến lươn, hay là ghé qua gọi một bát miến trộn thêm ly sâm dứa thì mát lòng phải biết. Có thể đó không phải là hàng miến lươn ngon nhất Hà Nội, nhưng điều khiến nó tồn tại được hơn 30 năm qua chính là nhờ tấm lòng của cô chủ quán hiếu khách tên Lan.
Đến ngã tư Chân Cầm – Lý Quốc Sư, hàng miến lươn hiện lên khá nổi bật với chiếc biển cũ kỹ. Nói thực thì quán có mặt tiền chẳng hề đẹp mắt, cũng không có góc nào "sống ảo", nhưng khách vẫn kéo nhau đến nườm nượp, chẳng mấy ai quan tâm đến "điểm trừ" của quán. Người nọ kể người kia, thế là hàng miến lươn Chân Cầm nổi đình đám trên bản đồ ẩm thực phố cổ, đi qua đây mà không ghé thử một bát miến lươn thì phí vô cùng.
Suốt 3 thập kỷ kể từ khi mở quán, dù 4 mùa trôi qua hay nắng mưa thế nào, bên ngoài hiên vẫn là nồi nước dùng ấm nóng tỏa hương ngọt dịu, chiếc bếp than cũ, rổ miến, hành, rau thơm, giá đỗ la liệt xung quanh chỗ cô chủ ngồi, lươn khô vàng ruộm xếp đầy tủ kính... Bên trong quán vỏn vẹn chưa đến 10m2, nhưng sáng sủa sạch sẽ, bàn ghế gỗ sơn bóng láng, gọn gàng. Đối diện bên kia đường cũng là quán miến lươn này, nhưng rộng rãi hơn và điều hòa mát rượi, khách ngồi chờ gần kín cả 2 tầng, do cô chủ thuê để đáp ứng nhu cầu khách tới ăn ngày càng đông.
Tôi mạnh dạn gọi một bát miến lươn trộn ít cay, thêm đĩa chả lươn nho nhỏ và một bát lươn nước ăn cho bõ cơn thèm, cô chủ quán nghe xong liền bắt tay vào làm nhanh thoăn thoắt. Đầu tiên cô gắp một ít lươn tươi hoặc khô tùy theo yêu cầu của khách, sau đó thêm cà rốt thái sợi, dưa chuột, rau thơm, hành khô, giá trần, rồi rưới nước dùng hoặc mắm pha chua ngọt lên. Chỉ 2-3 phút là có ngay bát lươn thơm lừng trước mặt, trông hấp dẫn vô cùng.
Bát miến trộn đầu tiên, tôi thỏa mãn vô cùng với khúc lươn mềm ngọt tan dần nơi đầu lưỡi, không dính tí xương nào. Những sợi rau củ giòn sần sật quyện với hành phi, thêm chút nồng nàn cay cay của rau thơm mang lại trải nghiệm vị giác khá dễ chịu, như bát nộm thanh mát mẹ làm trong một buổi trưa hè ấu thơ. Ăn xong vài miếng thì quay sang nếm một thìa nước dùng, chính là cốt lươn ninh nguyên chất không mì chính, không pha tạp bất kỳ loại gia vị nào, thấy ngọt dịu khó tả. Ăn kèm là bát dưa chuột muối nho nhỏ, hết lại xin chẳng lo tính thêm tiền.
Giờ cao điểm trưa và chiều, cửa tiệm nhỏ xinh ấy đón chừng 50-70 khách một lúc. Khách tấp nập ra vào 2 quán 2 bên đường, í ới gọi đủ kiểu, ấy thế mà cô chủ chẳng nhầm lẫn bát nào. Giọng cô Lan lúc nào cũng nhẹ nhàng êm ái, khách đòi hỏi cỡ nào cô cũng chiều, khách đại gia hay bình dân vào quán cũng được phục vụ chu đáo. Dù ăn tại chỗ hay mang về cũng được cô sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ. Chẳng thế mà hồi quán đóng cửa nghỉ dịch, biết bao "fan trung thành" của cô Lan nhấp nhổm không yên, đến hôm chiếc biển cũ được treo mở lại thì quán tấp nập như hội ngày rằm.
Ở quán cô Lan không chỉ có đồ ăn ngon với hương vị mộc mạc, mà ngồi đây quãng nửa giờ thôi cũng được nghe đủ chuyện thú vị về bát miến lươn từ người phụ nữ gốc Hà thành xinh đẹp dịu dàng. Những ngày hè giống thế này cách đây hơn 30 năm, cô Lan gánh hàng miến lươn rong đi khắp khu Hàng Trống. Nhà nghèo, lại bụng mang dạ chửa, cô vẫn cặm cụi dậy sớm mỗi ngày để có tiền vun vén cho gia đình mình.
"Năm 87 cô bán có 300 đồng/bát thôi, sau tăng lên 1.000 đồng, rồi dần dần tăng lên 30.000 - 40.000 đồng như hiện tại. Ngày đó chưa có nhiều món như bây giờ, chỉ có mỗi lươn nước và lươn trộn, cô tự học tự nấu rồi mang đi bán. Khách hồi đầu toàn người quen, bán đến khi tích cóp được ít vốn thì cô thuê nhà mở tiệm, chỗ đang ngồi này cũng được mấy chục năm rồi đấy, đối diện bên kia đường là nhà cô luôn, ở trong khu tập thể cũ Chân Cầm.
Khách gắn bó lâu năm với quán cô thì nhiều lắm, có gia đình cả 4 thế hệ đều ăn ở đây, cứ qua là chẳng cần gọi món, cô nhớ hết ai ăn như thế nào, thân quen như người nhà vậy. Khách đi nước ngoài về cũng phải ghé quán cô ăn bằng được, ngồi kể chuyện tâm sự rằng xa quê hương thèm bát miến lươn đến phát khóc. Du học sinh thì mua mang đi làm quà hoặc tích trữ ăn dần, chúng nó kể vui vui là giấu trong tủ đến bữa mang 2-3 con lươn ra nấu mì ăn, cũng tội lắm, nên đứa nào quen về đây ăn cô toàn cho thêm chút ít gọi là động viên chúng nó học hành".
Các món lươn ở đây không hẳn là đặc trưng Hà Nội, nhưng mang phong vị rất riêng nhờ cách nấu của cô chủ khéo léo. Ngoài lươn nước, lươn khô, ở đây còn hút khách bởi món chả lươn và lươn om chuối đậu. Miếng chả mỏng vừa vừa cỡ lòng bàn tay, gồm các loại gia vị trộn với lươn băm nhỏ theo công thức riêng của cô Lan, chiên vàng ruộm lên ăn cùng với nước chấm cay ngọt. 50.000 đồng/ đĩa 5 miếng, ăn túc tắc đã hết sạch, vị ngon của chả lươn khiến thực khách tiếc ngẩn ngơ. Món lươn om chuối đậu thì na ná giống ốc om chuối đậu, được đun trong niêu đất truyền thống, một suất đầy ụ 2 người ăn no căng, thưởng thức vào những ngày mưa hoặc thu đông man mát thì quá tuyệt.
Miến lươn cô Lan "mê hoặc" vô số thực khách ở Sài Gòn, rồi khách ngoại quốc, Việt kiều, chỉ ghé ăn một lần mà nhớ mãi. Có người thì lớn lên bên bát miến của cô và khu phố cổ quanh Nhà Thờ, quen thân với cô Lan như hàng xóm. Biết bao kỉ niệm buồn vui trong góc quán ngã tư Chân Cầm mà nếu kể ra thì không biết bao giờ mới hết, nhưng cô Lan chẳng mấy khi quên.
Chồng cô đã mất từ lâu, ngày còn sống chú chạy xe ôm phụ vợ tiền nuôi 2 con gái. Cái biển quán Minh Lan là ghép tên hai vợ chồng, giờ mang đầy ký ức gió sương trong đôi mắt người đàn bà luống tuổi.
Hai người con của cô Lan thì một đã ra nước ngoài sinh sống, còn một người đang làm giáo viên, lúc rảnh rỗi vẫn qua tiệm phụ cô bán hàng. Năm tháng trôi đi, nhờ bàn tay khéo léo và tấm lòng chất phác mà miến lươn cô Lan ngày càng nổi tiếng, biết bao người mê đắm hương vị món ẩm thực dân dã ấy đến mức gắn bó với con phố Chân Cầm hơn cả người mình thương!