Nghịch lý lương Tổng bí thư, Chủ tịch nước thấp hơn kế toán
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 18:16 - 13/10/2016
Hội thảo "Bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương" do Bộ Nội vụ chủ trì tổ chức ngày 12/10 có sự tham gia của nhiều lãnh đạo các bộ, ngành cũng như chuyên gia trong lĩnh vực này. Bất cập trong chế độ tiền lương của Việt Nam một lần nữa được nhiều chuyên gia đưa ra mổ xẻ. Một so sánh được coi là khập khiễng song lại thể hiện rõ nhất sự bất cập đó được Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Cầu - nguyên Trưởng khoa Kinh tế và Quản lý nguồn lực, Đại học Kinh tế Quốc dân - đưa ra phân tích.
Theo ông, chế độ tiền lương cơ sở (lương áp dụng đối với cán bộ, công - viên chức) hiện nay lấy hệ số trung bình là người tốt nghiệp đại học (có hệ số 2,34) - tức là dựa trên trình độ chuyên môn. Trong khi đó, hệ số cao nhất trong bảng này lại lấy là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, tức dựa trên chức danh.
Nếu theo chế độ này, với hệ số cao nhất là 13, nhân với mức lương cơ sở thì mức lương vị trí lãnh đạo cao nhất đất nước chỉ là hơn 15 triệu đồng. Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định 51/2013 thì mức lương cơ bản thấp nhất của kế toán trưởng một công ty hạng III (hạng thấp nhất) đã là 16 triệu đồng và vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên một tập đoàn kinh tế là 36 triệu.
"Nếu so sánh như vậy cũng đã thấy sự vô lý 'tận cùng'. Lương Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã như thế thì lương cán bộ, công chức thấp là điều đương nhiên dễ hiểu. Tất nhiên, tất cả nêu ở đây chỉ là theo quy định, chứ không phải thực tế", ông Cầu nói.
Chính sách tiền lương cơ sở của Việt Nam đã nhiều lần được đem ra bàn thảo song vẫn chưa tìm ra phương án cải cách do ngân sách có hạn. Ảnh: PV
Theo chuyên gia này, kể cả trong trường hợp từ năm 2016 đến 2020, Nhà nước có thay đổi quan hệ này bằng cách thay các con số thì đó cũng chỉ là cách làm cơ học theo tư duy cũ, kiểu "bốc thuốc" mang tính tình thế, đối phó chứ chưa phải cuộc cải cách thực sự.
“Chính sách tiền lương giống như chiếc áo lâu ngày đang bục dần. Nó cần được thay thế nhanh hơn để thay đổi diện mạo của một con người”, ông Cầu nói.
Ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, tiền lương công chức hiện nay không phản ánh đúng giá trị sức lao động. Do đó, các giá trị xã hội của công chức bị giảm sút, làm cho hiệu lực thực thi công vụ thấp, dễ bị tổn thương và là mảnh đất để tình trạng quan liêu, tham nhũng có cơ hội phát triển.
Ông Phúc cũng cho rằng, việc thiết kế hệ thống bảng lương, mức lương, các loại phụ cấp theo lương ngày càng tỏ ra bất cập, mâu thuẫn, không phản ánh vị trí việc làm của người cán bộ, công chức…
“Lương Thứ trưởng về hưu không bằng một ông Trung tá”, ông Phúc so sánh. Tuy nhiên, điều đáng nói là dù đã nhiều lần bàn tới cải cách tiền lương, nhưng khi nói tới “tiền đâu” thì lại dừng.
Trong tham luận của mình, Tiến sĩ Lê Hồng Huyên - Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban kinh tế Trung ương cũng tập trung đề cập vấn đề "tiền ở đâu" để cải cách tiền lương. Theo đó, nên giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập, hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp để tạo bước đột phá.
Ngoài ra, ông Huyên cho rằng nên chuyển một số tổ chức quần chúng công sang hoạt động theo cơ chế tự nguyện, tự quản, tự chủ để ngân sách Nhà nước không phải chi và dùng nguồn tiết kiệm được để cải cách tiền lương. Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh một báo cáo nghiên cứu gần đây cho biết tổng số tiền ngân sách chi cho các tổ chức quần chúng công là hơn 14.000 tỷ đồng. Song song với phương án này, ông đề xuất cần thu hẹp đối tượng được sử dụng xe ôtô công và hướng tới đưa chi phí này vào lương.
Cũng theo ông Phúc, đổi mới cơ chế nên theo hướng tách quản lý hành chính Nhà nước và khu vực sự nghiệp dịch vụ công. Theo đó, lương trong doanh nghiệp Nhà nước và sự nghiệp dịch vụ công cũng áp dụng như lương công chức, không nên cao như hiện nay. Tuy nhiên, do hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp sinh lời nên không áp dụng mức tiền lương mà không gắn với kết quả sản xuất bởi điều đó dẫn đến tình trạng nhiều người lương cao vẫn hưởng nhưng doanh nghiệp thua lỗ thì nhà nước chịu. Đối với tiền lương khu vực sự nghiệp dịch vụ công, cũng tách làm 2 phần gồm tiền lương chung và thu nhập do kết quả các dịch vụ gia tăng sinh ra.
Ông Trần Xuân Cầu - Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, từ năm 2008 đến 2016, lương cơ sở tăng hơn 2 lần (từ 0,54 lên 1,21 triệu đồng), một mức tăng không nhỏ so với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian đó. Tuy nhiên, phân tích sâu về sự thay đổi lại có những điểm bất bình thường. Cụ thể, mức tăng bình quân năm là gần 84.000 đồng, trong đó năm tăng cao nhất là 220.000 đồng, thấp nhất là 60.000 đồng. Nếu như trước 2013, mức tăng lương tối thiểu bình quân là 100.000 đồng một năm thì từ 2013-2016, mỗi năm chỉ tăng 20.000 đồng. Ông Cầu cũng cho biết, từ cùng một mức như nhau vào năm 2008, hiện mức lương tối thiểu vùng (áp dụng tại các doanh nghiệp) đã tăng gấp gần 3 lần lương cơ sở (áp dụng cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách). |