Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng - Nam Định): Chủ động phòng chống bão lũ
- Tây Y
- 12:58 - 24/06/2017
Nỗi khổ mùa mưa bão
Xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định là một xã miền biển nằm cạnh cửa sông Đáy. Chính bởi ở vị trí địa lý đặc biệt đó, mà người dân xã Nghĩa Hải đã quen với việc hàng năm phải đối mặt với hàng chục cơn bão lớn nhỏ. Trước tình hình khí hậu ngày càng biến đối, bão to gió lớn khiến những tuyến đê chưa được kiên cố hóa khó có khả năng chống chịu.
Khu vực đê bối Ngọc Lâm là nơi sinh sống của 100 hộ dân, với hơn 500 nhân khẩu
Ngoài tuyến đê chính quốc gia, xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng còn có một tuyến đê đặc biệt, đó là đê bối Ngọc Lâm. Khác với những tuyến đê bối chỉ phục vụ sản xuất, đê bối Ngọc Lâm lại là một tuyến đê bối có dân sinh với 100 hộ dân và trên 500 nhân khẩu sinh sống trong khu vực đê. Sở dĩ có điều trên là do khu vực dân cư này đã được hình thành lâu đời, từ những năm 1930 những người dân chài nơi đây đã ra khu vực đê sinh sống để tiện bề sản xuất và khai thác thủy hải sản.
Theo nhiều người dân nơi đây chia sẻ, mặc dù vẫn biết việc sinh sống trong khu vực đê là rất nguy hiểm vào mùa mưa bão, nhưng vì sinh kế từ bao đời nay và hơn nữa là việc di cư đến nơi khác cũng gặp vô vàn khó khăn. Do đó, những người dân nơi đây vẫn quyết định bám trụ trên mảnh đất này.
Trước đây, tuyến đê bối Ngọc Lâm là một con đê đất nhỏ, được kè bằng cọc tre chỉ có thể che chắn được những cơn bão nhỏ sóng yếu. Cứ vào mùa mưa bão là toàn bộ người dân và chính quyền địa phương lại phải nơm nớp lo sợ. Ông Trần Văn Trinh một người dân thôn Nam Hải, xã Nghĩa Hải chia sẻ “ dân ở đây bao nhiêu năm nay lụt lội, vỡ đê có khi chết cả người. Lợn gà gia súc trôi hết sang bên kia sông, đặc biệt mấy năm nay đoạn đê này sung yếu, chính quyền và nhân dân lại phải ra sức chống bão”.
Bà con nhân dân xã Nghĩa Hải không khỏi vui mừng khi tuyến đê bối được cải tạo, theo hướng kiên cố hóa
Bà Đỗ Thị Thu Hồng cũng là một người dân thôn Nam Hải, xã Nghĩa Hải cho biết thêm, cứ mỗi một lần bão gió người dân nơi đây lại vô cùng lo lắng, chưa mùa mưa nào yên ổn được. Không những bà con khổ tâm mà cả chính quyền cũng khổ tâm, túc trực cả ngày lẫn đêm ở ngoài đê. Khi có lệnh là ngay lập tức già trẻ lớn bé, phải bỏ nhà di tản và bên trong đê quốc gia.
Người dân yên tâm chống bão
Nhằm khắc phục tình hình trên và để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của hơn 100 hộ dân trong trước mùa mưa lũ. Tỉnh Nam Định đã triển khai dự án kiên cố hóa tuyến đê bối Ngọc Lâm. Dự án được triển khai xây dựng từ tháng năm 2014, với tổng chiều dài 1034 mét, cao trình là 2.7 mét so với mực nước biển được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn một kè những điểm sung yếu, giai đoạn hai triển khai từ tháng 1 năm 2017 kè toàn bộ tuyến đê, xây dựng cống và đô bê tông mặt đê. Mục tiêu là hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay.
Sau sáu tháng thi công dự án đê bối Ngọc Lâm đang ở trong giai đoạn hoàn thiện những công đoạn cuối cùng. Theo đại diện của đơn vị thi công, công trình đã hoàn thiện 85% công việc. Bờ kè và cống thoát nước đã được thi công xong, hiện nay chỉ còn hơn 600 mét đường trên mặt đê đang được gấp rút thi công, hoàn thiện để kịp thời phục vụ công tác phòng chống bão lũ.
Tuyến đê bối dài 1034 mét đã cơ bản được hoàn thành
“Năm nay nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền đã xây dựng cho bà con tuyến đê này, bà con chúng tôi cảm thấy hạnh phúc lắm. Mùa mưa bão đã đến gần, mà có con đê này bà con chúng tôi có thể yên tâm hơn” bà Đỗ Thị Thu Hồng người dân thôn Nam Hải phấn khởi chia sẻ.
Ông Trần Văn Mạnh- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định cho biết: "Đây là một công trình có ý nghĩa phục lợi ích kinh tế xã hội cộng đồng, an sinh xã hội. Khi đê được cải tạo nâng cấp theo hướng kiên cố hóa thì bà con sống trong đê là người được hưởng lợi trực tiếp, nó đảm bảo an toàn cho người dân lao động sản xuất, yên tâm sinh sống trên mảnh đất của mình”.
Dự án kiên cố hóa tuyến đê bối sung yếu Ngọc Lâm sau khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần thúc đẩy sự ổn định, phát triển kinh tế và an sinh xã hội của nhân dân xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định nhất là khi mùa mưa bão đang tới gần.